Lãi suất nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm
(DNTO) - Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong ngày đầu tuần, ngày 12/6, với mức giảm dao động khoảng 0,2 - 0,5% tuỳ từng nhà băng.
Tuần mới, thị trường ghi nhận thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh bảng lãi suất, theo đó mức lãi suất huy động của nhiều nhà băng đã giảm nhẹ, mức giảm trung bình 0,2 - 0,3%, có thể kể đến các nhà băng như HDBank, Sacombank hay VIB.
Tại Sacombank, lãi suất cao nhất chỉ còn 7,45% áp dụng cho kỳ hạn gửi 36 tháng theo hình thức trực tuyến, tương đương giảm khoảng 0,2%.
Ngân hàng VIB áp dụng mức lãi cao nhất 7,7% cho kỳ hạn 24 - 36 tháng theo hình thức trực tuyến, mức giảm khoảng 0,3% so với trước đây.
Trong khi đó tại HDBank cũng chỉ còn 7,7%/năm, áp dụng kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng. Tuy nhiên, nhà băng này khá mạnh tay khi có mức lãi suất lên tới 9,3%, áp dụng với một số sản phẩm có số dư tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Hiện tại trên thị trường GPBank vẫn là ngân hàng giữ mức lãi suất huy động cao nhất với 8,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng - 36 tháng theo hình thức điện tử.
Các giảm lãi suất có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Hiện các ngân hàng quốc doanh không có nhiều thay đổi khi mức lãi suất huy động cao nhất vẫn chỉ khoảng 6,8% áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Lãi suất cho vay vẫn chờ?
Động thái tích cực từ các nhà băng được nhận định sẽ là những điều kiện cần thiết để hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vốn được nhận định sẽ độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp thực hiện ba đợt hạ lãi suất điều hành trong năm, theo đó nhiều chỉ tiêu đã được giảm trở về mức trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 hay thậm chí thấp hơn mức đó.
Trong cuộc họp hồi tháng 5 giữa NHNN và 26 ngân hàng thương mại, lãnh đạo các ngân hàng đã ủng hộ ý kiến giảm 0,5 điểm% lãi suất cho vay từ ngày 29/5, áp dụng với các khoản dư nợ cho thấy sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng trong hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của mới chỉ đạt con số 3,17%, trong khi đó kỳ vọng của cả năm 2023 là 14-15%. Cầu vốn của nền kinh tế đang yếu đi đang đặt ra bài toán khó hơn cho chính sách tiền tệ trong nước. Dù vậy, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến các ngân hàng mạnh tay hơn trong giảm lãi suất cho vay mới, đặc biệt với những ngành ít rủi ro.
Theo các chuyên gia của VCBS Research dự báo, mức lãi suất cho vay sẽ có nhiều cơ hội để giảm mạnh hơn trong thời gian tới, tuy vậy mức giảm sẽ chậm hơn lãi suất huy động và sẽ có độ phân hoá, tập trung vào một số doanh nghiệp ở ngành nghề ưu tiên nhất định.
Tuy nhiên điều khiến các chuyên gia lo lắng hiện nay là việc lãi suất điều hành đã được điều chỉnh về mức thấp tương đồng với giai đoạn hỗ trợ dịch bệnh khiến "dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành sẽ không còn nhiều nếu xét trên tổng thể các cân đối vĩ mô".
Ngoài ra, khả năng Fed sẽ tiến hành hoặc phát đi tín hiệu về các đợt tăng lãi suất tiếp theo là điều khó tránh khỏi, và điều này có thể làm tăng mức độ bất định trên thị trường trong giai đoạn hiện nay.