Lãi suất giảm, dòng tiền nhàn rỗi sẽ 'quay lưng' hay tiếp tục 'trú ẩn' tại ngân hàng?
(DNTO) - Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, các chuyên gia cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Tuy nhiên, thay vì linh hoạt tạo dòng tiền với gửi kỳ hạn ngắn như trước đây, người dân chọn kỳ hạn gửi trung - dài hạn để đỡ "thiệt thòi".
Kể từ đầu tháng 4 tới nay, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi lần thứ 2, tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức giảm phổ biến dao động 0,3-0,6 điểm %/năm. Thậm chí một số ngân hàng để lãi suất tiết kiệm giảm tới 1 điểm %/năm.
Cụ thể, ở nhóm big 4 gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,9%/năm, các kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,4%/năm. Hiện, mức lãi suất tiền gửi cao nhất áp dụng tại 4 ngân hàng này là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại Techcombank cũng đã giảm mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên về còn 7,8% từ mức 8% ghi nhận trước đó.
OCB cũng vừa giảm lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho các kỳ hạn trên 12 tháng từ 9,3%/năm xuống còn 9,1%/năm, với hình thức gửi tiết kiệm online. VPBank mới đây giảm lãi suất huy động thêm 0,2%. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng giảm xuống còn 7,9-8%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng còn 8,2%/năm...
Chưa dừng lại ở đó, trong báo cáo thị trường tài chính tiền tệ vừa công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect thông tin, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh tháng 1, dao động từ 7,1% - 8,4%. Theo đó, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023.
"Dự báo Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7%/năm trong nửa cuối năm 2023", VNDirect cho hay.
Đáng lưu ý, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh giảm "mạnh tay" hơn so với kỳ hạn dài, thực tế sau khi giảm thì lãi suất trên 9%/năm đối với kỳ hạn dài vẫn được một số ngân hàng áp dụng.
Lý giải điều này, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, ngoài chuyện cơ cấu lại nguồn vốn khi lãi suất kỳ hạn ngắn giảm, việc đồng thời giảm lãi tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là để các ngân hàng tiết kiệm và cân đối chi phí vốn cho mình.
Sự “chuyển dịch” gửi tiền tiết kiệm ở kỳ hạn trung – dài hạn thay cho gửi ở kỳ hạn ngắn của người gửi tiền đều đã được nhà điều hành “tiên lượng” từ trước khi chủ trương giảm lãi suất có hiệu lực. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, bối cảnh thị trường và lạm phát hiện nay, NHNN đã xem xét các tác động trước khi quyết định, phản ứng sẽ không lớn.
Lượng tiền gửi khó có thể giảm nhiều vào năm 2023 do tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng tiền gửi khoảng 3%/năm trong vòng 3 năm qua, khiến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) trên toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam (cũng như được tính ở hầu hết quốc gia) gần 100% vào cuối năm 2022.
“Việc giảm lãi suất lần này chắc chắn ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng, nhưng không nhiều. Vốn vẫn sẽ đổ vào ngân hàng và vẫn đủ cung ứng cho bộ phận tín dụng”, ông Tú nhấn mạnh.
Trước việc xu hướng giảm của lãi suất có thể chưa dừng lại, đầu tư vào vàng, USD trong bối cảnh này cũng là một lựa chọn, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người dân nên cẩn thận bởi lẽ tỷ giá biến động rất ít nên đầu tư thì tiền cũng không sinh ra nhiều, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa hồi phục được ít phiên lại chìm trong sắc đỏ, nhà đầu tư địa ốc vẫn chưa thể lạc quan, còn vàng thì thời gian này lên xuống khá thất thường...
"Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh khó đoán định như hiện tại, ít nhất cho đến giữa quý II/2023. Mặc dù các ngân hàng thương mại gần đây đã cam kết giảm lãi suất huy động xuống dưới 9,5%/năm, nhưng lộ trình hạ lãi suất có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn, đặc biệt khi thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ còn khó khăn", ông Hiếu phân tích.
Đồng thời cho rằng, nếu muốn người gửi tiền thực sự chia sẻ với nền kinh tế, các ngân hàng nên tính toán thật kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi cho họ và thể hiện bằng hành động cụ thể là cho vay với giá mềm, kể cả với vay tiêu dùng.