Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tín phiếu lên 4,3%, hút thanh khoản mạnh
(DNTO) - Thị trường tiền tệ đang chứng kiến diễn biến đáng chú ý khi lượng tín phiếu trúng thầu tăng vọt lên 25.000 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, đồng thời lãi suất trúng thầu cũng được nâng lên 4,3%/năm.
Thị trường tiền tệ phiên giao dịch hôm qua (25/6) chứng kiến diễn biến đáng chú ý khi lượng tín phiếu trúng thầu tăng vọt lên 25.000 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, đồng thời lãi suất trúng thầu cũng được nâng lên 4,3%/năm từ mức 4,25% trong phiên trước đó. Ở chiều ngược lại, có 3.700 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và không có thành viên thị trường trúng thầu trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO).
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 21.300 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 127.960 tỷ đồng, và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Trước đó, từ phiên 21/6, NHNN đã có sự điều chỉnh trong hoạt động phát hành tín phiếu khi giảm kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày, sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày. Động thái này được cho là nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu, nhất là khi lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh trong tuần trước.
Cụ thể, tại thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đầu tuần ghi nhận ở mức 3,54%, theo đó, lãi suất qua đêm đang diễn biến theo xu hướng giảm từ mức trên 4% giai đoạn giữa tháng 6/2024. Tại các kỳ hạn khác, lãi suất kỳ hạn 1 tuần đang ở mức 4,07%; kỳ hạn 2 tuần là 4,42%; kỳ hạn 1 tháng là 4,51%...
Giới phân tích cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Thực tế, trong suốt hơn 2 tháng qua, dù NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Thanh khoản của thị trường liệu có rủi ro?
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu trong bối cảnh tỷ giá USD tăng cao, việc này là can thiệp bình thường, chưa cho thấy thanh khoản đang gặp rủi ro. Rõ ràng, 2 kênh đang điều tiết thanh khoản VND đang được hoạt động song song, chứ không do thị trường thiếu thanh khoản và NHNN phải bơm thanh khoản vào.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, đánh giá, chính sách phải đi theo xu thế của thị trường. Và xu hướng thị trường hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới là đang phải giữ mặt bằng lãi suất cao hơn ở mức lâu hơn. Do đó, Việt Nam cũng không thể đi ngược lại xu hướng đó, phải cân bằng mặt bằng lãi suất trong nước, để hài hòa với các kênh đầu tư khác và với các nước trên thế giới.
Cùng với đó, việc nhà điều hành hạ kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước để các ngân hàng thương mại có thể chủ động hơn trong việc điều tiết thanh khoản khi giai đoạn cao điểm cuối quý II đang tới gần.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngày 19/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến 14/6/2024, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023.
Trước đó, tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 2,41% so với cuối năm 2023. Như vậy, theo ước tính của mới đây của MBS, trong 20 ngày của tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,76 điểm %, tương đương với hơn 238.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Con số này đã tiến sát tới mức mục tiêu được Thủ tướng đề ra trước đó là hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16%, mục tiêu được đánh giá là khó khăn trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu.