Lãi suất liên ngân hàng thu hẹp về ngưỡng 3,37%, thanh khoản hệ thống phát tín hiệu tích cực
(DNTO) - Sau khi bật tăng mạnh gần sát trần 5% vào cuối tháng 5/2024, hiện lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đột ngột lao dốc về còn 3,37%/năm, và là mức thấp nhất trong 7 tuần trở lại đây. Sự hạ nhiệt nhanh chóng đánh dấu áp lực tỷ giá đã có dấu hiệu dịu lại trong tuần qua.
Tính từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5/2024, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần 400 điểm cơ bản lên mức cao nhất 12 tháng. Lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng có lúc duy trì nhiều hôm liên tục tiến sát mức 5,1%, so với mức dưới 1% vào tháng 1/2024.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày tăng nóng, lãi suất VND liên ngân hàng hiện đã "quay đầu" giảm sâu. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 30/5 đã giảm về còn 3,37%/năm, từ mức 4,03%/năm và 4,79% ghi nhận trong phiên 29/5 và 28/5. So với mức ghi nhận cuối tuần trước đó, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 1,69 điểm % và là mức thấp nhất trong 7 tuần trở lại đây.
Lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác cũng trong đà giảm với lãi suất qua đêm so với cuối tuần trước đó như: kỳ hạn 1 tuần giảm 1,22 điểm %, kỳ hạn 2 tuần giảm 0,84 điểm %; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,12 điểm %. Trên thị trường mở, tuần từ 27 - 31/5, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với khối lượng là 30.000 tỷ VND, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 11.684,1 tỷ đồng trúng thầu và 27.888,58 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 30.200 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu 2 phiên đầu tuần giữ ở mức 4,2%/năm, 3 phiên cuối tăng lên mức 4,25%. Bên cạnh đó, có 6.700 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Ngoài sự lao dốc của lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống cũng phát tín hiệu dồi dào hơn khi kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) đã bị "dư thừa" trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, đồng thời lượng tín phiếu trúng thầu đã tăng vọt. Kết quả, NHNN đã hút ròng 39.704 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở.
Những diễn biến trên cho thấy sự thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có những thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Trước đó, trong giai đoạn từ giữa tháng 5 đến đầu tuần qua, thanh khoản tiền Đồng của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu thắt chặt sau khi NHNN liên tục bán ra lượng lớn USD để bình ổn tỷ giá, rút về lượng lớn tiền Đồng.
Trong bối cảnh trên, liên tục trong hai phiên giao dịch 22/5 và 23/5 đã có lần lượt 9 thành viên và 8 thành viên thị trường tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của nhà điều hành với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên tới 25.000 tỷ và 43.063 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Đáng chú ý, các ngân hàng đẩy mạnh vay nóng NHNN bất chấp lãi suất OMO đã được điểu chỉnh tăng từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm từ phiên 22/5. Sự cộng hưởng của các yếu tố đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng trong phiên giao dịch 23/5 lên trên 5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn, mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.
Sự hạ nhiệt nhanh chóng của lãi suất liên ngân hàng xuất hiện khi áp lực tỷ giá đã có dấu hiệu dịu lại trong tuần qua. Cụ thể, tỷ giá USD liên ngân hàng trong tuần qua đã hạ nhiệt, không còn sát giá trần của NHNN. Kết thúc phiên 31/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.441 VND/USD, giảm 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trên thị trường giao dịch giữa ngân hàng và người dân, các ngân hàng đã đồng loạt giảm giá mua USD khoảng 20 – 30 đồng trong tuần qua. Trong khi giá bán cũng giảm 3 đồng theo diễn biến của tỷ giá trung tâm.
Liệu có giảm sâu thêm?
Lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang tiếp đà giảm sâu, và đây có thể coi là một tín hiệu tích cực kép. Mặc dù hiện tại, các yếu tố này mới đang ở mức sơ khởi ban đầu, chưa thể có tác động ngay đến nền kinh tế, vì thông thường mỗi sự thay đổi chờ đợi thêm một khoảng thời gian để có thể có những tác động rõ ràng.
Tuy nhiên, việc lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đã minh chứng cho thấy hoạt động thị trường mở (OMO) từ phía NHNN đã góp phần thúc cho thanh khoản của các ngân hàng dồi dào hơn. Mặt khác, doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng sẽ được tiếp cận nguồn tài chính rẻ hơn nữa trong thời gian tới.
Đà diễn biến của lãi suất hiện tại cũng cho thấy, những nỗ lực của NHNN thời gian qua trong việc kêu gọi các nhà băng ngừng "chạy đua" lãi suất đã bắt đầu có tác dụng nhất định. Cùng với đó, tỷ giá cũng đang hỗ trợ tích cực cho lãi suất, nhất là khi NHNN từ đầu năm 2024 đã tiếp tục mua thêm ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, phòng trường hợp can thiệp nếu có biến động tỷ giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, giới phân tích cho rằng, khó tránh được việc áp lực tỷ giá quay trở lại, do đó lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm sâu thêm. Thực tế, NHNN hiện vẫn thực hiện các đợt phát hành tín phiếu mới và lãi suất duy trì ở mức trên 4%.
"Điều này phát đi thông điệp rằng nhà điều hành sẵn sàng đưa ra một mức suất đủ hấp dẫn để các ngân hàng dư thừa thanh khoản sẽ "gõ cửa" kênh tín phiếu thay vì cho vay lãi suất thấp trên liên ngân hàng." TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Đồng thời, NHNN sẵn sàng cho vay qua kênh OMO với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, song phải chấp nhận mức lãi suất tái cấp vốn không rẻ và hiện duy trì ở mức 4,5%/năm. Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc duy trì một mặt bằng lãi suất VNĐ liên ngân hàng đủ hấp dẫn.