Chuyên gia: 'Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%'
(DNTO) - Mạch sản xuất của nền kinh tế đang dần được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, giới phân tích nhận định nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất tái cấp vốn ổn định ở ngưỡng 4,5% trong năm 2024 để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng phục hồi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2023 có nhiều gam màu sáng, các hoạt động kinh tế đã dần ổn định và trong một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt so với nửa đầu năm, xuất siêu 25,83 tỷ USD, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,1% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ trong tháng 11. Sản lượng sản xuất đã tăng tốc không ngừng kể từ khi ghi nhận mức âm vào tháng 5, cho thấy động lực tăng trưởng của ngành có thể sẽ kéo dài đến năm 2024.
Việc cắt giảm lãi suất từ NHNN giúp giảm chi phí kinh doanh, trong khi Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Gần đây, đã có quyết định cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, có hiệu lực từ ngày 1/1 đến 30/6/2024. Những biện pháp này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và sẽ khuyến khích tăng trưởng sản xuất và kinh doanh cao hơn nữa.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có một số dấu hiệu ổn định và phục hồi, với các báo cáo cho thấy nhiều nhà đầu tư đã mở lại hoạt động bán hàng và tung ra các dự án mới. Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) báo cáo hàng loạt dự án quy mô lớn, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ Bắc vào Nam, các chiến dịch bán hàng được triển khai để tăng cường nguồn cung.
Đặc biệt, dù bức tốc mạnh trong tuần cuối tháng 11 nhưng hiện tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và kém xa mục tiêu NHNN đề ra hồi đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng.
Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB cho rằng, NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%.
Tuy nhiên, với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay có thể kém vài điểm phần trăm.
"Do đó, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, rút lại dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản như đã dự báo trước đó", bộ phận nghiên cứu UOB nhận định.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vẫn còn "đất" cho giảm lãi suất điều hành dựa trên mức lãi suất tái cấp vốn hiện nay ở ngưỡng 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm. Song, ông Hiếu lo ngại, lãi suất qua đêm ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất của FED duy trì ở mức cao và có khả năng tiếp tục nóng hơn nữa vào cuối năm nay mới là chỉ số đáng lưu ý.
Cụ thể, lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng giảm sâu trong những tuần qua. Hôm 6/12 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành vừa qua với quy mô 5.000 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đến nay đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, đưa lượng lưu hành về mức 0.
Bên cạnh lượng lớn tín phiếu đáo hạn, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa cũng do tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dù ở giai đoạn cao điểm cuối năm - trái ngược với diễn biến các năm trước.
So sánh trong mối tương quan với lãi suất qua đêm của FED là 5,5%, chênh lệch gần 5% - điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ giá - đẩy giá trị của tiền đồng xuống thấp. Trong bối cảnh USD Index (DXY) dao động trong khoảng 106-107 và tiếp tục trong xu hướng tăng, mà cứ giảm lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá, khiến khoảng cách USD và VND bị nới rộng, gây bất lợi cho tỷ giá theo xu hướng tăng giá trị USD, giảm giá trị VND...
Do vậy, sẽ không còn dư địa để lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm. Ông Hiếu khuyến nghị, duy trì lãi suất liên ngân hàng qua đêm VND ở mức 0,75-1% là phù hợp. Điều này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.
"NHNN đang phải giải cùng lúc 2 bài toán, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vừa kiểm soát phát sinh thêm nợ xấu. Vấn đề này cần sự can thiệp của các quỹ bảo lãnh tín dụng, cần "bàn tay" của nhà nước, đòi hỏi sự phối hợp thực sự giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, để ngân hàng "mạnh tay" cho vay, giúp vừa kiểm soát được nợ xấu, mà vẫn đẩy được tín dụng ra", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.