Căng mình trả lãi tiền gửi khi cửa vay hẹp lại, ngành ngân hàng tìm giải pháp cứu lợi nhuận
(DNTO) - Lo ngại lợi nhuận ngành ngân hàng quý 4 sẽ tiếp đà bị "bào mòn" khi không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi. Theo đó, để tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, chuyên gia đã lên “phác đồ hồi sức” để giải phóng lượng tiền “tồn kho”.
Thống kê mới nhất từ 28 ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính quý 3/2023 cho thấy, ngoài việc tăng trưởng tín dụng sụt giảm do nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro tăng do các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp..., thì ở một số nhà băng chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao cũng là yếu tố kéo lợi nhuận đi xuống.
Cụ thể, sau 9 tháng đầu năm, dù đã hạ sâu lãi suất tiết kiệm để "hãm" huy động vốn, song lượng tiền gửi khách hàng đã tăng 11,5% so với cuối năm 2022, tương ứng có tới 959.459 tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng - đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối. Điều này đồng nghĩa với việc 27 ngân hàng niêm yết đã trả lãi cho người gửi tiền 398.723 tỷ đồng, tăng mạnh 79% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với gần 5% tổng lượng vốn huy động của các ngân hàng này.
Đáng chú ý, mức tăng của chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng trong 9 tháng năm 2023 đều ở mức trên 50%, cá biệt có một số ngân hàng còn ghi nhận chi phí này tăng gấp 2 lần.
Chẳng hạn, BIDV đã chi hơn 63.000 tỷ đồng để trả lãi cho khách gửi tiền, tăng 61% so với 9 tháng đầu năm ngoái. VietinBank đứng thứ hai với 53.000 tỷ đồng, tăng 58%; Vietcombank chi 40.565 tỷ đồng, tăng mạnh 76%; SHB chi 26.754 tỷ đồng, tăng 73%; Sacombank chi 23.855 tỷ đồng, tăng mạnh 92%.
Chi phí trả lãi huy động của VPBank cũng tăng “khủng”, đạt tới 112%, với số tiền 19.500 tỷ đồng; ACB cũng đã chi tới 19.000 tỷ đồng cho việc trả lãi huy động, tăng 83% so với cùng kỳ; HDBank chi 17.500 tỷ đồng, tăng 118%; Mức tăng trưởng của chi lãi huy động tại MB và Techcombank lên tới 128% và 151%, lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 14.500 tỷ đồng. Thậm chí, mức tăng tại MSB lên đến 159% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Hay một số nhà băng khác có mức chi cho việc trả lãi huy động tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái là: ABBank (100%), TPBank (109%), KienLongBank (113%).
Các chuyên gia cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị bào mòn lớn khi không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi. Chưa kể, hiện tại, đầu ra tín dụng của nhiều ngân hàng gặp khó khi hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại, kênh trái phiếu và bất động sản "đóng băng". Điều này khiến nguồn thu từ tín dụng không tăng kịp theo chi phí, khiến thu nhập từ tín dụng tăng thấp hoặc sụt giảm.
Nhóm ngân hàng top dưới hoặc phụ thuộc nhiều vào trái phiếu, bất động sản, cho vay tiêu dùng càng chịu bất lợi hơn khi tệp khách hàng chủ đạo là bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa và phân khúc khách hàng thu nhập thấp suy giảm khả năng trả nợ.
"Vì vậy điều kiện để họ tiếp tục nhận các khoản vay mới là rất khó mặc dù ngân hàng có thể rất muốn giải ngân để hỗ trợ cho nhóm này, nhưng họ lại chưa thể đáp ứng được những quy tắc về an toàn vốn và an toàn kinh doanh của các ngân hàng thương mại”, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích.
Ngoài ra, việc đầu tư công chưa được giải ngân đúng theo tiến độ, dẫn đến tắc nghẽn hàng triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, kho bạc.
Tất cả những nút thắt trên khiến kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đứng trước "cơn gió ngược", khó duy trì như cùng kỳ các năm trước. Các công ty chứng khoán đồng loạt dự báo lợi nhuận cả năm 2023 ngành ngân hàng chỉ đạt 10% trong khi mức tăng của năm trước là trên 30%.
Tháo dần những nút thắt tín dụng
Để gỡ khó cho ngân hàng, tại Hội nghị mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh, ngành ngân hàng cần tiếp tục không thắt chặt đảo nợ, giãn hoãn các khoản nợ đặc biệt là trong khối bất động sản và trái phiếu. Còn trong khối sản xuất, kinh doanh, cần rà soát đánh giá lại những khoản hỗ trợ để kích hoạt giảm lãi suất, từ đó, kích hoạt sự tự tin của doanh nghiệp trở lại vay vốn, nhất là những doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phải chăng.
Về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa đạt được mục tiêu, có thể hoán đổi sang nhiệm vụ hoặc mục tiêu mới để kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống trong năm 2024. Theo đó, các chuyên gia cũng gợi ý phương án đẩy mạnh đầu tư công để tạo tổng cầu tăng trưởng hơn và hạ lãi suất.
"Tôi cho rằng Thông tư 02 về cho phép giữ nguyên nhóm nợ xấu là động thái nới lỏng điều kiện cho vay của các ngân hàng. “So với ý kiến tiếp tục nới điều kiện cho vay, quan trọng chúng ta cần khoanh vùng được những nhóm đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ, đặc thù dành cho khối sản xuất, phục vụ cho xuất khẩu…”,TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định.
Ngoài ra, cũng theo ông Việt, hiện tại, có rất nhiều hộ kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu hoặc trực tiếp làm những mặt hàng xuất khẩu. Họ là nền tảng tạo ra những hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho tiêu dùng trong nước. Nhóm hộ kinh doanh hiện có khoảng 5 triệu đơn vị, trong khi đó chỉ có hơn 700 - 800 nghìn doanh nghiệp trực tiếp còn hoạt động. Điều đó cho thấy, tỷ trọng các hộ kinh doanh và doanh nghiệp có chênh rất lớn và nhu cầu vay vốn của họ theo đó cũng nhiều.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay phù hợp của nhóm này lại rất mỏng, nếu thông qua kênh tín chấp của các hiệp hội với số lượng rất nhỏ, chỉ từ 10 triệu. Trong bối cảnh hiện nay, khi các hộ kinh doanh cần tái cơ cấu lại công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, xuất khẩu, các hộ kinh doanh cần nguồn vốn từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.
“Song, hiện nay chưa có một gói hỗ trợ "may đo" nào dành riêng cho các hộ kinh doanh, tôi thấy nhóm này cần có những chương trình hỗ trợ riêng với sự tham gia của chính quyền địa phương cho đến các hiệp hội để tín chấp cùng phối hợp hỗ trợ các hộ này vay vốn”, ông Việt đề xuất.
Còn đối với việc vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Việt cho rằng tình trạng trên cũng tương tự đối với Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đến ngay cả Quỹ hỗ trợ vay mà còn mất chi phí cao hơn vay ngân hàng".
"Nên rà soát chính sách hỗ trợ để tích hợp các chính sách này từ những ngành nghề khác nhau thành một gói tổng thể, tránh nhầm lẫn, chồng chéo. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa tránh việc không hiệu quả khi phân tán nguồn lực này", vị chuyên gia nhận định.
Đặc biệt, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhấn mạnh, muốn giảm lãi suất phải đi từ những việc căn cơ hơn, thay vì đi theo lối cũ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở.
"Nhà điều hành cần "mạnh tay sử dụng các công cụ như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn, để cung ứng lượng vốn với lãi suất thấp và ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, các giấy tờ có giá đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định được các ngân hàng sử dụng để tiếp cận với một lượng vốn với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ thị trường, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn bình quân và kéo giảm lãi suất cho vay", ông Độ nêu quan điểm.