Nhà đầu tư ngoại bán ròng: 'Ai rút chân sẽ phải tiếc'
(DNTO) - Việc các quỹ ngoại rút ròng do thay đổi khẩu vị đầu tư là hết sức bình thường. Quan trọng là Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô trong giai đoạn không ít khó khăn, sự "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp niêm yết cùng cơ hội nâng hạng trong giai đoạn tới.
Tính từ đầu năm đến nay, giá trị khối ngoại bán ròng đạt hơn 53 ngàn tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào 234 ngàn tỷ đồng và giá trị bán ra trên 288 ngàn tỷ đồng. Như vậy, nếu tính trung bình, mỗi phiên khối ngoại bán ròng hơn 400 triệu đồng trong giai đoạn nửa đầu năm.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể về thị trường trong nước, tính đến hết tháng 6/2024, VN-Index tăng khoảng 10% từ mức 1.131 điểm lên ngưỡng 1.245 điểm (tính đến ngày 28/6). Khối lượng giao dịch trung bình trên 20 ngàn tỷ đồng mỗi phiên. Điều này minh chứng, khối lượng bán ròng của khối ngoại giai đoạn qua là không đáng kể, khó có thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Thống kê từ SSI Research cũng cho biết, tính đến tháng 5, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 12 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương16% tổng tài sản các quỹ vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, cường độ rút ròng được cho đang có dấu hiệu chậm lại trong giai đoạn quý 2 này.
Trong khi đó, các quỹ chủ động lại có sự phân hóa, trong khi các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng nhẹ hoặc vào ròng nhẹ thì một số quỹ đầu tư đa quốc gia lại chú trọng tập trung rút ròng. Đáng chú ý, trạng thái "rút chân" này không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà xuất hiện tại nhiều thị trường khác nhau, nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp đó là Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia...
Như vậy, so với thị trường trong nước, quy mô và mức độ rút ròng của khối ngoại là không quá cao. Hiện tại khối ngoại vẫn đang nắm giữ trên 16% tổng giá trị toàn thị trường, một con số không hề nhỏ.
"Sẽ hối tiếc"
Theo SSI, rủi ro về lãi suất, tỷ giá và cả yếu tố chính trị nhiều bất ổn thời gian qua là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trạng thái bán ròng này khả năng sẽ có tín hiệu tích cực khi môi trường vĩ mô bao gồm tỷ giá và lãi suất tích cực, hay tình hình chính trị ổn định.
"Đặc biệt, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi xu hướng chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác xuất hiện ở thị trường Đài Loan", các chuyên gia cho biết. Ngoài ra, SSI dự báo, dự thảo thông tư cho phép công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sớm được công bố cũng sẽ là tiền đề hút dòng vốn ngoại.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tại hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” đã cho biết, điều quan trong nhất với mỗi thị trường chứng khoán là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Tại Việt Nam, thời gian qua, dù nhìn ra khu vực toàn cầu có nhiều biến động nhưng nền kinh tế vẫn duy trì tích cực.
"Không có lý do gì mà một thị trường chứng khoán trên nền tảng ổn định của vĩ mô kinh tế và xã hội mà lại rủi ro cao được", ông cho biết.
Theo đó, việc các quỹ này thay đổi khẩu vị rủi ro, điều chỉnh trong cơ cấu danh mục đầu tư thì là hết sức bình thường. "Chúng ta giữ được nền tảng ổn định, các doanh nghiệp niêm yết kinh doanh phát triển, thị trường minh bạch và nhiều cải cách kỳ vọng được nâng hạng thì ai rút chân sẽ phải tiếc bởi khi quay lại sẽ mất nhiều hơn", ông Chi nhận định.
Quan trọng là một số nhà đầu tư còn nhìn nhận chưa toàn diện dễ dẫn đến tâm lý lo lắng. Do đó theo ông, nhà đầu tư cần có sự đánh giá đúng để tránh hoang mang trên thị trường.