Thị trường chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư nên ngừng bán tháo
(DNTO) - Tuần qua, VN-Index đã trải qua 3 phiên giảm sâu khiến phần đông nhà đầu tư có tâm lý bi quan hơn. Tuy nhiên, giới phân tích khuyến cáo nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này, và cho rằng nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới...
Tuần qua, liên tiếp các phiên VN-Index thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, và cuối cùng đã bị đánh gãy, xuống mức 1.245 điểm. Áp lực bán mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (24/6), đã khiến chỉ số VN-Index giảm gần 2,2% xuống mức 1.254,1 điểm cùng thanh khoản tăng mạnh lên hơn 27.500 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index tiếp tục phục hồi lên mức 1.261,2 điểm trong phiên 26/6 nhờ lực kéo của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, tiêu biểu là mã GVR (+7%) khi các nhà đầu tư lạc quan về kết quả kinh doanh quý 2/2024 của công ty với việc giá xuất khẩu cao su tăng. Dù vậy, đây đã là phiên thứ 15 liên tiếp khối ngoại bán ròng, tập trung vào cổ phiếu FPT và MWG.
Thị trường chứng khoán tiếp tục cho thấy sự lưỡng lự trong ngày 27/6 khi chỉ số VN-Index giảm 0,2% xuống mức 1.259,1 và thanh khoản đã giảm khoảng 20% so với phiên giao dịch trước đó. Nhóm Bảo hiểm diễn biến tích cực với MIG (+6.7%), BVH (+2.8%) và BIC (+1.1%) đồng loạt tăng.
Tuy vậy, VN-Index kết thúc tuần (28/6) giảm mạnh trong phiên cuối cùng của quý 2 với sắc đỏ bao trùm, phá vỡ mốc tâm lý 1.250 khi giảm 13,7 điểm. Khối ngoại tiếp tục áp lực bán ròng với giá trị hơn 1.100 tỷ đồng.
Cũng trong tuần qua, thanh khoản tuần qua giảm 5,6% xuống 22,015 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng 4.449,7 tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm nhẹ 8,9% so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, phân tích: Thị trường bị ép xuống mạnh như vậy từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tháng 6 là giai đoạn thị trường trống thông tin hỗ trợ trước kỳ ra kết quả kinh doanh quý 2 dẫn đến sự thận trọng của nhà đầu tư luôn đặt lên cao hơn, nên dòng tiền nâng đỡ giai đoạn hiện tại khá yếu kèm theo khối ngoại bán ròng liên tiếp; tình hình tỷ giá chưa được kiểm soát; các dòng lớn như Ngân hàng, Bất động sản thì thiếu sự kỳ vọng vũng như dòng tiền khỏe tham gia.
Còn ông Nghiêm Sỹ Tiến, Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV lại cho rằng, với diễn biến của thị trường hiện tại, sẽ tương đối khó có thể xác định chính xác thị trường khi nào tạo đáy. Nhiều khả năng VN-Index đã bắt đầu bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn khi các tín hiệu kỹ thuật đang thể hiện quán tính giảm điểm chưa kết thúc, áp lực bán vẫn đang áp đảo. Rủi ro tỷ giá sẽ chưa sớm hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bán dự trữ ngoại hối để can thiệp. Vì vậy theo ông Tiến, kịch bản vùng quanh 1.250 sẽ tạo đáy là không cao. Theo đó, các mốc hỗ trợ trung và dài hạn được kỳ vọng tạo lực đỡ đáng kể hơn cho VN-Index tại quanh 1.220 điểm và xa hơn tại 1.180 điểm.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư đã tìm được một số cơ hội ở các doanh nghiệp tốt nhưng giá cổ phiếu đã ở mức đủ thấp thì việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao hơn 60%-70% danh mục là điều bình thường. Nếu chúng ta vẫn chưa tìm được những cơ hội thực sự hấp dẫn thì việc giữ lại một lượng tiền mặt trong danh mục là điều cần thiết. Chúng ta sẽ không mất tiền nếu chúng ta không có mặt trong một thị trường tăng giá nhưng chắc chắn chúng ta sẽ mất rất nhiều nếu quyết định có mặt trong một thị trường giảm giá.
Nhận định về thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch mới (1-5/7), ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho biết những thông tin mới được Tổng cục Thống kê công bố là “liều thuốc tinh thần” với nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh vừa qua. Phiên đầu tuần tới sẽ là một phiên khá quan trọng khi chỉ số VN-Index xác nhận xem có thực sự đánh mất mốc tâm lý 1.250 điểm hay không. Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn.
Do vậy, ông Hinh khuyến cáo nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này: “Tôi cho rằng nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng giải ngân quyết liệt nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu”.
Số liệu đáng chú ý được Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 tăng khá, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế khi đạt 6,93% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Kết quả này nhờ "lực kéo" từ ngành công nghiệp và bán lẻ đã đóng góp tỷ trọng lớn trong mức tăng trưởng GDP quý 2.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 6 ước đạt 33,09 tỷ USD, trong quý 2 ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý 1. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD.