Khối ngoại và tỷ giá sẽ khiến chứng khoán điều chỉnh sâu?
(DNTO) - Kịch bản xấu nhất, chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh lùi về mốc 1.200 điểm trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục đà bán ròng và áp lực tỷ giá vẫn còn gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Sau phiên giảm mạnh gần 28 điểm phiên giao dịch ngày đầu tuần 24/6, thị trường chứng khoán giao dịch khá lình xình dù có tới hai phiên tăng điểm nhẹ. Thanh khoản giảm, đặc biệt trong phiên hôm nay chỉ còn 17,5 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, VN-Index dừng tại 1.259 điểm. Lực cầu yếu, cộng với sự trống vắng các thông tin tích cực, khiến nhiều nhà đầu tư khó đạt được kỳ vọng của mình.
Dự báo về thị trường thời gian tới, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty Chứng khoán Kiến thiết chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh, ngày 27/6, mốc điểm hiện tại 1.250 điểm của thị trường sẽ gặp khó. "Mốc hỗ trợ tiếp theo của thị trường là 1.217-1.219 điểm và kịch bản xấu hơn sẽ là 1.200 điểm", ông Kháng dự báo và cho biết, nguyên nhân đến từ vấn đề tỷ giá và lực bán của khối ngoại đang gây.
Theo phân tích của ông, thị trường đã rơi vào phiên bán mạnh ngày đầu tuần dù trước đó đã chinh phục 1.300 điểm. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn đang gây sức ép lớn, chưa hề thuyên giảm so với trước dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp mạnh tay như bán đô la, tăng lãi suất, phát hành tín phiếu... Cộng thêm đó, xu thế bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại dù đã tiếp diễn cả thời gian dài vừa qua, đang gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
"Trên phân tích kỹ thuật, xu hướng bán vẫn là chính. Dù vừa trải qua hai phiên tăng nhưng lực cầu còn yếu và theo quan sát của tôi, chỉ số VN-Index khả năng có đi vào xu hướng điều chỉnh", ông khuyến nghị và cho biết thêm, chỉ số có thể sẽ điều chỉnh sâu. Mốc 1.200 cũng là phương án cần tính đến.
Nhận định về cổ phiếu "vua" ngành ngân hàng, theo vị chuyên gia, việc các ngân hàng tiến hành tăng vốn điều lệ đang là các thông tin có ảnh hưởng tích cực, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý về kết quả kinh doanh quý 2 của các nhà băng.
"Hết quả kinh doanh quý 2 của các ngân hàng sẽ kém tích cực, có thể các ngân hàng sẽ tăng trưởng nhưng sẽ không cao do lãi suất huy động vẫn tăng dần, trong khi lãi suất cho vay theo xu hướng giảm 1-2% khiến cho NIM ngân hàng khó tăng mạnh", ông cho biết.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông khuyến cáo nhà đầu tư nên hạn chế tối đa sử dụng margin nhằm giảm áp lực thanh lý, đồng thời giữ sự sáng suốt trong các quyết định đầu tư.
"Luôn giữ tiền mặt để thị trường xấu nhất có thể hành động", ông cho biết. Thị trường rơi lúc nào hoặc có gặp thông tin tích cực nào để bật lên không còn phải chờ đợi, tuy nhiên luôn cần có dự phòng, mức tiền mặt nên duy trì tỷ lệ 10-15% để nếu VN-Index giảm có thể mở vị thế mua với lượng tiền đang có, đón đầu sự phục hồi. Bởi theo ông, về trung và dài hạn, thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Tính đến hôm nay, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index đạt mốc 105,7 điểm tăng 0,24%. Trên thị trường Việt Nam, tỷ giá USD trên thị trường tự do lần đầu vượt mốc 26.000, mức cao nhất từ trước đến nay.
Như vậy, so với đầu năm, giá USD tự do đã tăng hơn 5%, trong khi tại các ngân hàng giá USD tăng trung bình 4,5%. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm hạ lãi suất, áp lực tỷ giá còn duy trì, chiều bán ròng của khối ngoại không dễ dừng lại, theo đó việc bứt phá của VN-Index vẫn là câu chuyện cần chờ đợi.