Áp thuế chống bán phá giá thép HRC: cổ phiếu thép tăng vọt, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?

(DNTO) - Nếu Hoà Phát được ví như "Ngư ông đắc lợi" do hội tụ nhiều yếu tố được hưởng lợi rõ nét thì nhiều doanh nghiệp khác không kém phần lo lắng khi HRC, nguyên liệu đầu vào quan trọng, không còn rẻ.
Giữa năm 2024, chín doanh nghiệp tôn mạ và ống thép lớn của Việt Nam đã có công văn gửi cơ quan chức năng liên quan đến đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh, vốn là hai doanh nghiệp lớn duy nhất trong nước sản xuất được HRC. Lý lẽ được các doanh nghiệp đưa ra là sự lo ngại về độc quyền của các doanh nghiệp với sản phẩm HRC.

Ảnh minh hoạ
HRC, sản phẩm thép cuộn cán nóng, có vai trò quan trọng, nền tảng cho nhiều ngành sản xuất khác như tôn mạ, ống thép, đồ gia dụng, công nghiệp cơ khí chế tạo... Nhu cầu trong nước với sản phẩm này khoảng 12-14 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, công suất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu, việc các doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường bên ngoài là điều tất yếu.
Theo đó, việc Bộ Công thương chính thức ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ, với mức thuế dao động từ 19,38 - 27,83%, có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày 8/3 tới, có lẽ là tin kém vui với nhiều doanh nghiệp thép.
Hoà Phát - lạc quan
Kết phiên sáng nay, 24/2, cổ phiếu HPG tăng bốc đầu 4,5%, cùng lượng cổ phiếu khủng, 61 triệu cổ phiếu, được trao tay. HPG trở thành cổ phiếu quan trọng nhất có vai trò dẫn dắt chỉ số trong phiên. Thông tin trên cùng triển vọng phục hồi của ngành thép trong năm tới trở thành điểm sáng cho Hoà Phát.
Năm 2024, mảng HRC của Hoà Phát gặp khó khăn khi áp lực từ thép nhập khẩu tràn vào thị trường. Sản lượng HRC nhập khẩu trong năm 2024 của Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tấn tăng 30% so với năm 2023, trong khi đó sản lượng của Hoà Phát chỉ khoảng gần 3 triệu tấn.
Hàng rào thuế quan mới với thép từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trên của Hoà Phát. Áp lực với thép nhập khẩu trên thị trường không còn nhiều, cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và Hoà Phát nói riêng, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung HRC khi trong nước chưa đáp ứng đủ cầu.
"Điểm tích cực đến từ việc thép HRC Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm xuất khẩu vào Việt Nam trong tháng 1, cụ thể, mức xuất khẩu thép chỉ đạt 537 nghìn tấn, giảm so với mặt bằng 800 nghìn - 1 triệu tấn thép mỗi tháng trước đó. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ HRC nội địa khởi sắc trong bối cảnh xuất khẩu hụt hơi", VCBS nhận định.
Đặc biệt, dự án Dung Quất 2 của Hoà Phát đang chuẩn bị các bước cuối để đi vào hoạt động, kỳ vọng đóng góp đáng kể cho sản lượng thép của doanh nghiệp. Được biết, siêu dự án có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Sau khi dự án hoàn thành, doanh thu tập đoàn có thể duy trì ở mức 175-200 ngàn tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20-25 ngàn tỷ đồng/năm.
Về dài hạn, theo VCBS, tiềm năng cải thiện lợi nhuận của Hoà Phát có thể tốt hơn nữa trong kịch bản giá thép hồi phục mạnh hơn dự kiến.
Nhiều doanh nghiệp khác có thể gặp khó?
Sáng nay, bên cạnh sự bật tăng của HPG, thị trường ghi nhận đà tăng đồng thuận của các cổ phiếu khác trong ngành như HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của CTCP Thép Nam Kim, nhiều cổ phiếu còn tăng trần như TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên; VCA của CTCP Thép Vicasa - Vnsteel...
Thực tế, các doanh nghiệp thép đang sử dụng HRC là nguyên liệu sản xuất có lẽ gặp không ít thách thức. Việc không còn được hưởng nguồn nguyên liệu HRC giá rẻ có thể khiến họ phải đứng trước thách thức như chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận bị đe doạ, khả năng phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung khi sản lượng trong nước chưa đủ... Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Đầu tư từ SSI Research, với các doanh nghiệp như Nam Kim hay Hoa Sen, thiệt hại là có.
Ông phân tích, việc áp thuế chống bán phá giá đang tạo môi trường cạnh trạnh sòng phẳng. Các doanh nghiệp dù nhập được HRC giá rẻ từ nước ngoài, giảm được chi phí đầu vào nhưng khi xuất khẩu ra ngoài vẫn chịu áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc. Thậm chí biên lợi nhuận doanh nghiệp không được cải thiện nhiều. Ngoài ra, ngay cả khi không có quyết định áp thuế trên, bối cảnh thị trường hiện tại cũng chưa tạo thuận lợi cho ngành thép, nhiều doanh nghiệp thép vẫn đang chật vật để tăng trưởng.
Năm 2024, giá HRC giảm đã giúp không ít doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng lớn. Ngoài ra, thời điểm áp dụng Quyết định số 460/QĐ-BCT rơi vào cuối quý 3, do đó trước mắt, kết quả kinh doanh quý 1 năm nay của các doanh nghiệp chưa bị tác động nhiều.
Dù vậy, Quyết định số 460/QĐ-BCT chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp nước ngoài có hành vi bán phá giá chứ không phải tất cả. Do đó, các doanh nghiệp còn lại, nếu có giá bán phù hợp cũng là nguồn cung cần thiết cho các doanh nghiệp trong nước.