Nhiều cổ phiếu khoáng sản rơi đỉnh, dòng tiền chuyển hướng về đâu?

(DNTO) - Tiền bắt đầu rút ra khỏi nhiều mã khoáng sản và lan toả sang nhiều nhóm ngành khác đang cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư khi nhóm này đã tăng mạnh thời gian qua.
Nhóm cổ phiếu khoáng sản đã trở thành điểm sáng trên thị trường chứng khoán trong vòng một tháng qua khi nhiều mã liên tục lập đỉnh giá mới, giá trị vốn hoá trên thị trường tăng bằng lần và đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư.
Điển hình có thể kể đến các mã như MSR của Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials; BKC của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn, KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV; HMG của Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; TMG của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico...

Ảnh minh hoạ
Căng thẳng thương mại do các chính sách thuế của ông Trump, cùng triển vọng về nhu cầu cao của thế giới đối với các kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất, đã giúp các doanh nghiệp khai khoáng trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp sở hữu các mỏ khoáng sản quý hiếm được hưởng lợi.
Tuy nhiên trong phiên giao dịch ngày 18/2, sự đồng thuận tăng điểm của các mã trong nhóm cổ phiếu khoáng sản không còn. Các cổ phiếu phân hoá rõ nét, bên cạnh một số mã vẫn tăng kịch trần như BKC, TMG... thì nhiều mã bất ngờ sụt giảm mạnh, thậm chí xuống mức giá sàn như BKC, HMG. Đáng chú ý, BKC và HMG cũng là hai cổ phiếu dẫn đầu mức giá trong nhóm.
Diễn biến trên cho thấy nhà đầu tư đã thận trọng chốt lời, sau khi ghi nhận đà tăng quá mạnh của các cổ phiếu. Dù vậy, có thể thấy, dòng tiền không rút khỏi thị trường mà luân phiên tìm cơ hội sang các nhóm ngành khác, điển hình là nhóm cổ phiếu bảo hiểm với mức tăng trung bình cao nhất trong các nhóm ngành, khoảng 4,6%, tiếp đó có thể kể đến như nhóm bất động sản, ngân hàng... Cổ phiếu BVH nổi bật với mức giá chạm trần gần 7%.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xu hướng luân chuyển của dòng tiền là điều dễ hiểu sau khi các cổ phiếu đã liên tiếp thiết lập các vùng giá mới và nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm kiếm các cổ phiếu tiềm năng cho danh mục của mình.
"Tiềm ẩn con sóng tăng trưởng"
Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, giá cả hàng hoá trên thế giới biến động theo xu hướng gia tăng từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Cụ thể, các mặt hàng tăng mạnh như cà phê, gas, vàng, cao su, ure..., có mặt hàng tăng 20-30%.
"Doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng hoá tăng giá sẽ được hưởng lợi", ông Sơn cho biết.
Ông dẫn chứng, giá đường tăng thời gian qua đã giúp nhiều cổ phiếu doanh nghiệp đường tăng giá. Tương tự, giá cao su, giá đồng tăng cũng giúp nhiều cổ phiếu hưởng lợi.
"Nếu tháng 4 này Mỹ đánh thuế Canada và Mexico, hai nước Mỹ đang nhập khẩu nhiều hàng hoá như ure, phốt pho, kali... và giá các mặt hàng này sẽ tăng. Theo đó các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hưởng lợi", ông đưa ví dụ phân tích.
Thuế quan của Mỹ đang tác động đến giá hàng hoá toàn cầu. Điều này khiến dù chỉ số VN-Index đi ngang nhưng nhiều cổ phiếu trên thị trường vẫn ngược dòng và tăng trưởng tốt. "Theo đó thị trường đáng tiềm ẩn con sóng tăng trưởng trong thời gian tới", vị chuyên gia đặt kỳ vọng.
Ông Sơn dự báo trong năm nay, tỷ giá có thể lên mặt bằng cao hơn, với mức biến động quanh 3% so với cuối năm 2024. Dù lạm phát có thể cao hơn, nhưng với việc đẩy mạnh tăng trưởng, giải ngân đầu tư công và thúc đẩy tín dụng, ông tin rằng kinh tế trong nước sẽ vươn lên mạnh mẽ.