Chứng khoán trước rủi ro cuộc chiến thuế
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2023/08/25/diepyen-084701.jpg)
(DNTO) - Thương mại toàn cầu đứng trước căng thẳng leo thang khi Tổng thống Trump đưa ra nhiều chính sách áp thuế mới. Chứng khoán trong nước giao dịch cầm chừng với nhiều nhóm ngành giảm mạnh. Cơ hội sẽ đến với nhóm ngành nào trong tình hình hiện nay?
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ban hành loạt sắc lệnh hành pháp, áp thuế nhập khẩn lên hàng hóa Mexico và Canada, đồng thời thêm 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 9/2, ông tuyên bố mở rộng cuộc chiến thương mại với việc áp thuế 25% với sản phẩm nhôm và thép xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy việc áp thuế của ông Trump khá bất ngờ và thường có sự điều chỉnh so với tuyên bố dựa trên đàm phán, thoả thuận của đối phương.
Việt Nam là nước có thâm hụt thương mại tương đối lớn với Mỹ, năm 2024, mức thâm hụt lên tới 123 tỷ đô la Mỹ và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Bộ Công Thương đã phải đưa ra các kịch bản và phương án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu. Trên thị trường chứng khoán, các tuyên bố của ông Trump gây khá nhiều rung lắc. Tâm lý giao dịch có phần lo lắng của nhà đầu tư, trạng thái giao dịch FOMO là khó tránh.
![Ảnh minh hoạ](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/12/ban-sao-chung-khoan81-1919.jpg)
Ảnh minh hoạ
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, mức ảnh hưởng của Việt Nam từ các chính sách của ông Trump là hạn chế. Theo phân tích của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), điều này một phần do ông Trump đang quá tập trung sự chú ý các các đối tác thương mại lân cận như Mexico và Canada và đối thủ truyền thống là Trung Quốc.
Và thực tế, sự thâm hụt cán cân thương mại Việt - Mỹ lại đến từ nguyên nhân sâu sa bắt nguồn từ xuất khẩu linh kiện điện tử, dệt may và giày dép đến từ khu vực FDI. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng tác động của các chính sách thuế của ông Trump là không đáng kể. Ngoài ra, chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1" của các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tạo nên nhiều thuận lợi cho Việt Nam.
Dù vậy các chuyên gia cũng lưu ý về việc Việt Nam có thể chịu rủi ro từ thực thi quy tắc xuất xứ hàng hoá “rules-of-origin” đối với hàng hóa chuyển tải. "Cuộc chiến thương mại của Mỹ kéo dài có thể gia tăng áp lực lạm phát đối với hoạt động tiêu dùng nội địa của Mỹ, làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed; qua đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và môi trường lãi suất của Việt Nam", Mirae Asset cho biết.
Thách thức nào với thị trường chứng khoán?
Theo chia sẻ từ Mirae Asset, thị trường chứng khoán trong nước đứng trước nhiều yếu tố rủi ro từ vĩ mô toàn cầu cần theo dõi. Trước hết là rủi ro từ sự gia tăng cuộc chiến thương mại do các chính sách thuế của ông Trump.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn cần tính đến các yếu tố như xung đột Nga-Ukraine kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Âu; dòng vốn nước ngoài sẽ rút mạnh từ các thị trường để đổ mạnh vào thị trường Mỹ; lạm phát dai dẳng tại Mỹ và châu Âu và quan điểm “diều hâu” của Ngân hàng Nhật Bản cùng khả năng tiếp tục nâng lãi suất kéo theo rủi ro từ hoạt động đầu tư ngoại hối tận dụng chênh lệch lãi suất.
Về thị trường chung, các chuyên gia cũng nhận định: "Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, cùng với các động lực tăng trưởng hạn chế ở các ngành khác và các tín hiệu đáng lo ngại từ cổ phiếu FPT trong bối cảnh làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ, cho thấy những rủi ro cần phải tiếp tục theo dõi".
Xét về nhóm ngành được hưởng lợi trong giai đoạn hiện tại, nhóm bất động sản khu công nghiệp nhận được nhiều đánh giá tích cực của các chuyên gia. Ông Lê Văn Long, trưởng phòng Tư vấn đầu tư từ Công ty VPS cho biết, trong các phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu tôn, thép bị ảnh hưởng chủ yếu do tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỷ trọng tôn thép xuất khẩu của Việt Nam là không lớn, trong đó Hoà Phát chiếm một phần nhỏ chịu tác động ít nhất.
Dù vậy, về dài hạn, đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhanh nhạy phát triển các thị trường khác thích ứng với các thay đổi mới. "Ảnh hưởng cũng sẽ ngắn hạn khi Việt Nam làm việc với Mỹ để cán cân thương mại cân bằng trở lại", ông kỳ vọng.
Cũng theo ông Long, Việt Nam có đường lối chính sách linh hoạt, cùng vĩ mô ổn định nên khả năng sẽ được hưởng lợi. Đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội, nhất là với các doanh nghiệp có quỹ đất lớn.
Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trước chính sách của ông Trump còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Tuy nhiên, sẽ khó tránh khỏi việc hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam và nếu điều này xảy ra sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước chật vật hơn, phải cạnh tranh trên chính sân nhà và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng khó giữ vững.