DeepSeek và 'vận đen' đầu năm của cổ phiếu công nghệ
(DNTO) - Nhóm cổ phiếu phần mềm cùng ghi nhận mức sụt giảm trung bình 5,1%, dẫn đầu thị trường trong phiên khai Xuân ngày 3/2. Sự sụt giảm này đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng DeepSeek của Trung Quốc đang làm giới đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh trong lĩnh vực AI và khiến kỳ vọng của họ thay đổi?
Cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT bất ngờ bị bán mạnh ngay từ phiên sáng và kéo dài cho đến hết phiên. Khối ngoại rũ hàng, nhanh chóng tất tay hơn 5,5 triệu đơn vị, trong khi đó chỉ giải ngân khoảng 2,1 triệu đơn vị, trở thành cổ phiếu bị khối ngoại bán tháo nhiều nhất với giá trị bán ròng trên 508 tỷ đồng.
Theo đó, hơn 12,7 triệu cổ phiếu FPT được trao tay trong phiên, khối lượng cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Điều này khiến FPT trở thành lực cản lớn nhất với toàn thị trường, đẩy chỉ số chung giảm mạnh hơn 12 điểm chỉ còn 1.253 điểm.
Cùng FPT, cổ phiếu CMG của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cũng giảm gần 5%, mã ELC của Công ty cổ phần Công Nghệ - Viễn Thông Elcom cũng giảm 1,2%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ có vẻ kém may mắn ngày đầu năm mới trước động thái quay lưng của nhà đầu tư. Có lẽ điều này không nằm ngoài xu hướng khi cổ phiếu NVIDIA cùng nhiều công ty công nghệ Mỹ khác cũng đã lao dốc khá mạnh thời điểm thị trường trong nước nghỉ Tết
Năm 2024, nhóm cổ phiếu phần mềm liên tục tăng giá, trở thành nhóm cổ phiếu thắng lớn trên thị trường trong nước. Tính trung bình cả năm 2024, nhóm này đã tăng trung bình trên 60%, đồng pha với xu hướng tăng của chứng khoán thế giới và trở thành tâm điểm của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin được đẩy mạnh với sự ra đời của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...
Tuy nhiên sự sụt giảm của nhóm công nghệ trong phiên hôm nay đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng start-up DeepSeek của Trung Quốc đang khiến giới đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh trong lĩnh vực AI với ông lớn công nghệ hiện nay và khiến kỳ vọng của họ thay đổi?
DeepSeek đang gây sốt trên toàn cầu khi mô hình AI này chỉ cần một khoản chi phí khoảng vài triệu USD để xây dựng và vận hành, trong khi các hãng công nghệ lớn phải tiêu tốn hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đô la, tuy nhiên vẫn có sức mạnh đáng nể.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo, CTCP Chứng khoán SSI trong một talkshow "Cà phê cùng chứng" ngày 3/2 cho biết, việc các mã nguồn mở và giá rẻ có thể phát triển như DeepSeek là một tin khá tốt với rất nhiều quốc gia không thể đầu tư vào AI quá lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam...
"Những công ty công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng mua mã nguồn mở này để có thể phát triển các ứng dụng AI phục vụ cho bản thân mình. Chúng ta có thể đứng ở trên vai người khổng lồ. Với các nước nhỏ như Việt Nam thì đây là một thông tin tích cực", ông cho biết. Hiện tỷ lệ sử dụng DeepSeek rất cao nhưng mới chỉ là dấu hiệu và cần thêm thời gian theo dõi.
Trước đó, trong báo cáo mới ra mắt, ngành công nghệ thông tin được SSI đặt nhiều kỳ vọng, trong đó FPT được đánh giá là cổ phiếu yêu thích với mức giá mục tiêu một năm là 186.300 đồng/cp với yếu tố hỗ trợ như việc ra mắt FPT AI Factory, tình hình tài chính khoẻ mạnh hay lợi thế chi phí thấp giúp doanh nghiệp mở rộng sang thị trường nước ngoài.