Chứng khoán giảm lịch sử sau công bố thuế của ông Trump, chiến lược nào cho nhà đầu tư?

(DNTO) - Chỉ số Vn-Index lao dốc, có thời điểm chỉ số mất gần 90 điểm, con số lịch sử của chỉ số này. Giá trị giao dịch tăng vọt hơn 44 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn sau khi chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump được ban bố.
Thị trường chứng khoán ngày 2/4 giao dịch tiêu cực ngay từ đầu phiên khi hàng loạt cổ phiếu kéo nhau cùng giảm giá sàn. Kết phiên sáng, toàn thị trường có tới hơn 280 mã giảm sàn, trong khi đó chỉ có 57 mã tăng điểm và 7 mã tăng trần. Tuy nhiên, đến hai giờ chiều, số mã giảm kịch sàn đã đạt con số 418 và kết phiên, con số này lên tới 436 mã và chỉ có 16 tăng trần.
Chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump lên tới 46% với hàng nhập khẩu Việt Nam được công bố vào hôm nay, vượt xa so với dự báo trước đó, đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Trạng thái rũ hàng bán tháo hàng loạt đã xuất hiện.

Ảnh minh họa
Đáng nói, thanh khoản giao dịch tăng vọt trên 38 ngàn tỷ đồng trên HoSE, gấp đôi giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tháng qua với chỉ khoảng 18 ngàn tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền tham lam đã xuất hiện khi hầu hết các nhóm ngành đều giảm.
Thị trường khả năng còn đi theo quán tính bán
Trong bối cảnh hiện nay, nên tranh thủ giải ngân tìm cơ hội hay chờ đợi thêm là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS Securities), cho biết, thị trường giảm mạnh thường có rủi ro và thực tế sẽ có nhiều nhóm ngành không bị ảnh hưởng mạnh như những gì chúng ta nhìn thấy trên thị trường chứng khoán.
"Thị trường chứng khoán có hoạt động bán giải chấp nên có thể có nhiều cổ phiếu, nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh do hoạt động bán giải chấp chéo", ông Tùng chia sẻ.
Theo ông, ở phiên giảm điểm đầu tiên, nhà đầu tư chưa nên vội mua ngay khi chưa có những nhận định thấu đáo về tình hình hiện tại.
"Theo cá nhân tôi, việc đánh giá các nhóm ngành hiện tại trong ngắn hạn không đủ chính xác và không đủ căn cứ vì chưa có sự đánh giá chi tiết về mức chịu thuế và sự ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp. Do chưa có số liệu nên việc đánh giá hiện tại mang tính cảm quan", ông Tùng cho biết.
Ông khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tính đến chuyện giảm bớt tỷ trọng với các cổ phiếu vay margin cao, đồng thời cẩn trọng khi mở vị thế mua mới.
"Nếu mua thì không bắt đáy với vai trò người tiên phong mà nên đi theo dòng tiền lớn, quan sát xem dòng tiền đi theo nhóm ngành nào và phản ứng như thế nào để đi theo. Thị trường điều chỉnh mặc dù là rủi ro cho những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu nhưng sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư đang giữ tỉ trọng tiền mặt cao để có thể nắm bắt các cơ hội.
Trước mắt, thị trường có thể còn quán tính giảm cũng như hoạt động bán giải chấp của các công ty chứng khoán, nên nhà đầu tư cần theo dõi kỹ lực bán trên thị trường, nếu lực bán vơi đi thì có thể bắt đầu tìm kiếm cơ hội với những cổ phiếu có cơ bản tốt, vốn hóa lớn, ít có yếu tố xuất khẩu, tránh đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu penny", ông khuyến nghị.
Chờ đợi
Từ quan sát của ông, một trong những mục tiêu chính trong chính sách thuế ở ông Trump hướng tới chính là Trung Quốc. Ở nhiệm kỳ lần thứ nhất, ông Trump đã đưa ra nhiều chính sách thuế với nước này, tuy nhiên Trung Quốc đã tìm cách lách thuế bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang bên thứ 3 và từ đây hàng hóa lại trở về Mỹ.
"Chính vì vậy ông Trump nhận định nếu chỉ áp thuế với Trung Quốc sẽ không hiệu quả, nên nhiệm kỳ lần nay ông áp thuế cho tất cả các nước. Khẩu hiệu tạo công bằng cho người dân Mỹ có thể chỉ là lý do cho hướng nhắm chính của ông là Trung Quốc. Số liệu của nhiều quốc gia trên thế giới đều cho thấy, họ nhập siêu của Trung Quốc nhưng xuất siêu sang Mỹ. Đó là lý do Mỹ muốn nắn lại dòng chảy thương mại thế giới thông qua thuế quan", ông Tùng phân tích.
Trước bối cảnh này, từ góc nhìn chuyên gia, ông Tùng chỉ ra hai vấn đề mà Mỹ đang đặt ra cho Việt Nam: thứ nhất, phải có các đàm phán và phải có cam kết về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Do đó, theo ông Tùng, mức thuế 46% ban đầu Mỹ đưa ra đôi khi là con số để Mỹ có vị thế hơn trên bàn đàm phán. Giả sử họ định áp 30% thì họ cũng sẽ nâng cao hơn để có vị thế tốt hơn. Còn kết quả đàm phán có lẽ cần thêm thời gian chờ đợi.
Ngày 9/4, sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục đối tác thương mại của Mỹ chính thức có hiệu lực. Từ nay đó, nếu Việt Nam nỗ lực đàm phán có kết quả thì khi đó sẽ là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện với thị trường và có các quyết định đầu tư hợp lý.
"Thị trường tăng tiếp hay không không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Nhà đầu tư luôn có nhiều cơ hội khi thị trường có mức chiết khấu rẻ hơn cho những nhà đầu tư nắm giữ trung và dài hạn. Còn với ngắn hạn, nếu bắt đáy T+ thì chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, chấp nhận rủi ro cũng như có kỷ luật rõ ràng, sẵn sàng cắt lỗ nhanh chóng nếu xu hướng thị trường tiếp tục diễn biến xấu", ông khuyến nghị.
Tuần trước, Thủ tướng cùng đoàn doanh nghiệp sang Mỹ, thiện chí mua sắm các mặt hàng của Mỹ như máy móc, máy bay, đồng thời ban bố biểu thuế mới. Nếu các nước lớn tìm các đáp trả thì Việt Nam đang thể hiện tinh thần thiện chí rõ nét.
Ngay sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó đối với chính sách thuế của Mỹ. Thủ tướng cũng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, sang tuần Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ.