Mỹ áp thuế cho Việt Nam lên tới 46%, có nên kỳ vọng vào sự 'hay thay đổi' của ông Trump?

(DNTO) - Tổng thống Donald Trump chính thức công bố áp mức thuế đối ứng lên tới hàng chục nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu mức áp thuế cao với 46%.
Mức áp thuế của ông Trump được tính toán như thế nào?
Theo dự đoán ban đầu của nhiều chuyên gia, dựa vào những thiện chí tích cực của Việt Nam trên các mặt trận ngoại gia, kinh tế... khả năng Việt Nam chịu mức áp thuế cao nhất đâu đó 10-15%.
Theo một cách tiếp cận thông thường, chênh lệch % giữa thuế nhập khẩu trung bình Mỹ áp cho Việt Nam và thuế nhập trung bình Việt Nam áp cho hàng Mỹ đang khoảng 5,8%, cộng với phần chênh lệch giữa thuế VAT Việt Nam đang áp dụng là 10% và thuế bán hàng trung bình các bang của Mỹ đang áp dụng 5%. Nhiều chuyên gia tính toán, khả năng mức áp thuế sẽ rơi vào khoảng 11%.
Tuy vậy, thông tin từ Tổng thống Doanld Trump với việc áp thuế lên tới 46% đã khiến nhiều người bất ngờ. Cùng đó, tính toán từ phía Nhà Trắng cũng cho biết, mức thuế nhập khẩu Mỹ đang phải chịu cho hàng hóa Việt Nam đang lên tới 90%, chỉ sau Madagasca.
Hiện thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là 123 tỷ đô la, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ là 136 tỷ đô la. Có thể tính đến việc, phía Mỹ lấy tỷ lệ giữa mức thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ rồi chia 2 để ra được mức thuế đối ứng đặt cho Việt Nam là 46%.
Hay Campuchia đang có mức thâm hụt thương mại khoảng 12,3 tỷ đô la Mỹ, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ là 12,6 tỷ đô la Mỹ. Theo cách tính trên, thuế đối ứng Campuchia nhận được cũng tương ứng với 49%.
Ông Trump cho biết, trước mắt sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng công bố.

"Sự chênh lệch về thuế quan và các rào cản phi thuế quan, khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài. Các chính sách kinh tế của các đối tác thương mại chủ chốt cũng làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thị trường toàn cầu. Những yếu tố này đã góp phần tạo ra một tình trạng khẩn cấp quốc gia, mà sắc lệnh này được ban hành nhằm giải quyết và khắc phục", thông báo của ông Trump ngày 2/4 nêu rõ.
Liệu có đáng ngại?
Nhiều người ví, cú áp thuế của ông Trump lần này giống "cú tát" vào nền kinh tế trong nước và hoàn toàn nằm ngoài những gì chúng ta đã chuẩn bị. Dù vậy, hiện tại, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra mức thuế cụ thể đối với từng mặt hàng.
"Tôi nghĩ rằng thông tin chi tiết chưa rõ ràng. Đâu đó còn một, hai tuần nữa mới diễn ra, danh sách mặt hàng chưa rõ", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI chia sẻ với nhà đầu tư vào 2/4.
Theo ông, câu chuyện không bất ngờ về danh sách các nước bị áp thuế, tuy nhiên việc tính toán không rõ ràng khiến thuế quan áp cho Mỹ lên tới 90% khiến con số áp thuế đối ứng lên tới 46%.
"Nếu đưa ra đánh giá ảnh hưởng với kinh tế Việt Nam sẽ ra con số lớn. Nếu trước đây chúng ta chỉ ước tính tỷ lệ áp thuế từ 0-15% thì con số ảnh hưởng 1-1,5% GPD. Tuy nhiên giờ con số ảnh hưởng sẽ cao hơn nhiều", ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên việc tính toán con số sẽ không có ý nghĩa bởi sự tác động của câu chuyện đánh thuế sẽ rộng hơn khi các chính sách đưa ra ảnh hưởng trực tiếp tới 60 nền kinh tế trên toàn thế giới.
"Và sự suy thoái của nền kinh tế thế giới khó tránh, các tính toán cần nhìn góc độ rộng hơn, mức độ ảnh hưởng có thể so sánh với các giai đoạn trước đây của giai đoạn suy thoái kinh tế hay Covid 19", ông Hưng nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%. Hay theo tính toán của Công ty KBSV cho biết, khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu và trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng 11%, GDP Việt Nam giảm 0,7 - 1,3%.
Theo đó, nếu mức áp thuế của Mỹ được duy trì khả năng tác động đến mục tiêu tăng tăng trưởng của nền kinh tế không hề nhỏ.
Kỳ vọng vào sự thay đổi của ông Trump?
Tổng thống Donald Trump từng được biết đến là người lãnh đạo dễ có các thay đổi với các chính sách thuế sau khi những mục tiêu đàm phán của ông phần nào đạt được. Điều này đã được chứng minh với nhiều quốc gia giai đoạn ông Trump mới lên cầm quyền.
"Điều đáng nói là mức thuế 46% chưa có cụ thể ngành nào và đây là mức trần để Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ và không có nghĩa mức thuế này được áp dụng mãi mãi", ông Hưng cho biết. Ông kỳ vọng trong dài hạn sẽ có bình thường hóa liên quan đến đàm phán, hy vọng chỉ khoảng 10% và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.
Nhiều chuyên gia cho biết, họ kỳ vọng có sự thay đổi trong chính sách của ông Trump. Dù vậy, điều lo lắng nhất là Việt Nam không có vị thế để tuyên bố áp đặt biện pháp đối kháng lại cho Mỹ như EU, Canada... Bài toán quay về câu chuyện phải làm sao giảm xuất khẩu và tăng cường nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, thực chất phải làm sao đa dạng hóa thị trường, nội địa hóa sản xuất, đồng thời thích nghi với tình hình mới.
Vừa qua Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách cụ thể thể hiện chí với Mỹ nhằm giảm mức độ chênh lệch có thể tiếp tục thấp hơn, chủ trương giảm thuế ưu đãi (MFN) với nhiều mặt hàng và gần đây nhất là Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược thể hiện cam kết trong các mối quan hệ thương mại.