Năm 2025, cổ phiếu công nghệ có tiếp tục sáng?
(DNTO) - Việt Nam đặt trọng tâm phát triển công nghệ đến năm 2025 và xa hơn, theo đó nhóm cổ phiếu công nghệ nhận được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Cổ phiếu công nghệ đã tạo được làn sóng mạnh mẽ không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay cả thị trường trong nước. Năm 2024, VN-Index chỉ tăng khoảng 12% thì thị giá nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin đã tăng trung bình trên 70%. Nhiều cổ phiếu tạo sóng tăng mạnh như FPT, VGI...
Năm 2025, nhiều yếu tố tích cực tiếp tục hỗ trợ nhóm ngành này như xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu thúc đẩy chi tiêu dành cho công nghệ thông tin, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy công nghiệp AI và bán dẫn... Liệu nhóm công nghệ thông tin có tiếp tục hút dòng tiền và trở thành điểm sáng đầu tư trong năm nay khi mà tính riêng từ đầu năm đến nay, nhóm này đang giảm nhẹ 2,3%?
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giám đốc chương trình đào tạo Thị trường chứng khoán, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, năm 2025, sẽ khó tìm được nhóm ngành nào là ngôi sao sáng, bởi thị trường sẽ có sự phân hoá rõ nét khi làn sóng đầu tư còn thay đổi nhiều. Tuy nhiên, công nghệ là nhóm ngành ông kỳ vọng dù nhóm này đã tăng trong thời gian dài.
"Đây là nhóm ngành sẽ được hưởng lợi và có cơ hội tăng trưởng", ông Huân khuyến nghị tại chương trình “Đầu tư gì trong năm 2025?” diễn ra ngày 17/1.
Theo ông lý giải, hiện tại thị trường Mỹ các công ty có vốn hoá lớn là các công ty công nghệ chứ không phải các công ty tài chính như ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có thể sẽ thay đổi theo xu hướng trên và nếu nhà đầu tư xác định dài hạn thì có thể cân nhắc giải ngân với nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cũng theo ông Huân, nhà đầu tư cần phân biệt các công ty công nghệ về hạ tầng và công ty công ty công nghệ chuyên về phần mềm. Nếu các công ty về phần mềm phát triển công nghệ lõi, khả năng tăng trưởng mạnh hơn, còn các công ty phát triển hạ tầng thì sự thay đổi sẽ không nhiều, trừ khi có sự đột biến khác biệt. Do đó, ông quan tâm đến các công ty về phần mềm và công nghệ lõi AI.
Ở một góc nhìn khác, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích ACBS, lại cho biết, thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ khá khác biệt. Theo góc nhìn của bà, trong lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam rất ít doanh nghiệp, tỷ trọng vốn hoá của các doanh nghiệp còn khá nhỏ so với tổng thị trường. Do đó, khả năng sẽ có cổ phiếu tăng tốt, duy trì thị giá hấp dẫn, nhưng về tổng thể để nhóm ngành này trở thành xu hướng dẫn dắt dòng tiền là rất khó.
"Dòng tiền luôn thay đổi và luân phiên, quan trọng là nhà đầu tư phân bổ danh mục hợp lý", bà Trang cho biết.
Dự phòng chi tiêu cho công nghệ thông tin trong nước tăng trên 17% trong năm 2025 so với cùng kỳ, với động lực đến từ áp dụng AI và chuyển đổi số. Trong bối cảnh Việt Nam đặt trọng tâm phát triển công nghệ, đưa ra các chiến lược tập trung vào công nghiệp bán dẫn, hạ tầng số và nguồn nhân lực, chứng khoán KBSV khuyến nghị tích cực với ba cổ phiếu FPT, CMG và CTR.
Trong đó, FPT được kỳ vọng trong nghiên cứu, phát triển và thiết kế chip; CMG có thế mạnh trong dịch vụ công nghệ thông tin và chuyển đổi số và CTR được dự báo dẫn đầu trong mảng xây dựng hạ tầng viễn thông, hưởng lợi từ các dự án hiện đại hóa mạng lưới.
Cũng theo các chuyên gia dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ niêm yết năm 2025 có thể chạm mốc 26% so với cùng kỳ.