Chuyên gia gợi ý kênh đầu tư sẽ 'đem tiền về' trong năm 2025
(DNTO) - Kênh đầu tư cổ phiếu và bất động sản được chuyên gia "chấm" 3,5-4 trên thang 5 của hiệu suất đầu tư, trong khi vàng và trái phiếu thấp hơn và được khuyến nghị chỉ chiếm 2% trong danh mục cá nhân của mình.
Tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính
Tại Hội nghị nhà đầu tư năm 2025, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư quỹ Dragon Capital nhận định, năm 2025, tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Ông Tuấn phân tích, xuất khẩu sẽ có nhiều thử thách để tạo ra đột phá lớn. Tổng mức thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo tăng trưởng chỉ 2-3% năm 2025, trong khi 60% thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ gặp khó khăn.
Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã “chạy” rất nhanh như: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành nửa đầu năm 2025, sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành nửa đầu năm 2025... Dự án đường dây 500KV Quảng Trạch đã hoàn tất trong tháng 9/2024. Riêng dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, với tổng mức đầu tư gần 69 tỷ USD, vào năm 2027 bắt đầu xây dựng, sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tiêu dùng, bất động sản.
Dragon Capital cho rằng, đầu tư công sẽ đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân. “Nếu niềm tin của khối doanh nghiệp tư nhân cao thì câu chuyện tăng trưởng kinh tế hai con số không khó”, ông Tuấn khẳng định.
Trên nền chi tiêu đầu tư công hiệu quả, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có 2 kịch bản. Nếu chính sách thương mại của Mỹ quá quyết liệt, điều chỉnh chính sách tiền tệ từ mức vừa phải đến thắt chặt nhẹ tăng 150 điểm cơ bản, tăng trưởng GDP khó bứt quá, chỉ khoảng 6,5-7%. Nếu chính sách tài khóa có mục tiêu và chọn lọc từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể tăng trưởng từ 7,5 - 9%.
Ông Tuấn cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cho năm 2025. Nếu chính sách bảo hộ thương mại xảy ra, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 chỉ tăng 5-8%. Khi các nền kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể do tác động của chiến tranh thương mại, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn, gây áp lực.
Trường hợp kinh tế toàn cầu giảm tốc nhưng tránh được suy thoái, các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam được tháo gỡ, giúp ngân hàng tự tin giải ngân tín dụng, từ đó tiêu dùng cá nhân cải thiện, trong kịch bản cơ sở, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15-17%.
Trong kịch bản đầu tư công tạo động lực thực sự và niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, kích thích tài khóa, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể vượt lên 18-25%.
'Bất động sản, chứng khoán thích hợp đầu tư năm nay'
Giám đốc đầu tư Dragon Capital đánh giá, hiệu suất 4 kênh tài sản đầu tư, bao gồm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên thang điểm tối đa là 5.
Trong các kênh đầu tư, ông Tuấn cho rằng vàng chỉ chiếm 2% trong danh mục cá nhân của mình. Bởi vàng có giai đoạn tăng giá mạnh, nhưng nhìn về dài hạn 10, 20, 30 hay 50 năm thì vàng không phải kênh đầu tư vượt trội so với các kênh khác.
Thêm vào đó, biến động giá vàng rất khó đoán và hiệu suất đầu tư không cao như nhiều người nghĩ. Xét về mặt đầu cơ, kênh này cũng bị hạn chế bởi sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá. Do đó, kênh đầu tư vàng được chuyên gia đánh giá thấp ở mức 2-2,5/5 điểm.
Kênh chứng khoán được đánh giá khá cao khoảng 3,5-4/5 điểm trên thang đo về hiệu suất đầu tư. Theo ông Tuấn, năm 2025 kênh này nếu không bứt phá thì sẽ bứt phá vào năm 2026. Dựa trên kỳ vọng vĩ mô thế giới có thể tạo ra biến động trong ngắn hạn, song kỳ vọng hiệu suất thị trường song hành cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho rằng định giá chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng nâng hạng thị trường. Cuối năm 2025, lợi nhuận kỳ vọng có thể đưa PER về mức -1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm. Chỉ số PBR dự phóng năm 2025 cũng ở vùng thấp nhất trong 10 năm. Với mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng, chuyên gia cho rằng định giá thị trường đang ở mức khá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, triển vọng trung hạn khá cao với việc Chính phủ quyết tâm cao cho tăng trưởng. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ.
Trong kịch bản cơ sở, hiệu suất VN-Index sẽ tăng 15-17% trong năm 2025, còn nếu niềm tin và tương lai tươi sáng hơn, lợi nhuận TTCK sẽ tốt hơn. Ông Tuấn cho rằng ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ sẽ có tăng trưởng lợi nhuận bền vững, trong khi đó công nghệ, thép và công nghiệp cũng có lợi nhuận tốt nhờ được hỗ trợ bởi chính sách.
Về kênh bất động sản, mặc dù giá nhiều khu vực đã tăng cao, nhưng chuyên gia Dragon Capital cho rằng nhìn dài hạn khi các tháo gỡ pháp lý rõ rệt và cơ sở hạ tầng được liên kết, bất động sản là kênh tiềm năng được đánh giá ngang với kênh chứng khoán với mức điểm 3,5-5/5.
Ngoài ra, nhiều dự án đang dần được tháo gỡ pháp lý và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong những năm tới. Ở một số khu vực chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ trở thành khu vực tiềm năng có hiệu suất đầu tư cao.
Cuối cùng, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá có hiệu suất tốt hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, nhờ lợi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là kênh khá rủi ro với những nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm. Với rủi ro về an toàn và thanh khoản, Dragon Capital khuyến nghị nhà đầu tư cần cân nhắc khi lựa chọn trái phiếu.
"Trái phiếu là kênh dành cho nhà đầu tư có kỳ vọng vừa phải. Thị trường trái phiếu năm 2024 lượng phát hành đã tăng trên 50%, lãi suất khá ổn, việc đáo hạn cũng nhiều. Do đó, kênh trái phiếu có nguồn cung sẽ đa dạng hơn vào năm 2025 và nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư", bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc, Khối Trái phiếu Dragon Capital, đánh giá.