Thị trường vốn chịu sức ép bởi tỷ giá tăng, chuyên gia gợi ý nhóm ngành nhà đầu tư nên quan tâm
(DNTO) - Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư theo tỷ giá kết hợp với kết quả kinh doanh quý III tích cực là một chiến lược khá ổn trong bối cảnh hiện nay. Tỷ giá tăng tác động tích cực tới các nhóm ngành xuất khẩu gồm: Thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, săm lốp.
Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã bất ngờ tăng trở lại với mức 4% trong tháng 10/2024 (tính đến ngày 21/10), sau khi đã giảm từ mức 4,3% vào đầu tháng 7/2024 xuống mức 1,4% trong tháng 9/2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đô la Mỹ tăng từ 100,3 điểm lên 103,6 điểm, do chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 9/2024 vượt dự báo, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể hạ lãi suất nhanh như dự kiến.
Chuyên gia của VNDirect dự báo, DXY sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên thị trường vốn. Đáng chú ý, áp lực từ tỷ giá tăng “nóng” đang khiến nhà đầu tư chứng khoán có phần thận trọng hơn, làm cho thanh khoản thị trường “teo tóp” dần, xuống quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng/phiên.
“Khi tỷ giá tăng trở lại, ngay lập tức nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ròng trên TTCK. Yếu tố tỷ giá với xu hướng rút ròng của nước ngoài vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đến thị trường ít nhất trong ngắn hạn”, chuyên gia VPBankS nhận định.
Thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì TTCK thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, gây áp lực đối với thị trường. Tính riêng trong tuần giao dịch 14 - 18/10/2024, khối ngoại ghi nhận bán ròng mạnh và đều đặn tất cả các ngày trong tuần, tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thanh khoản thị trường èo uột và giảm điểm liên tục.
Tỷ giá USD/VND tăng cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nội. Bởi khi tỷ giá tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hút ròng. Dữ liệu lịch sử cho thấy vào thời điểm NHNN hút ròng thì TTCK khó lên. Thực tế, trong bối cảnh tỷ giá tăng “nóng” trở lại, NHNN đã phát hành hơn 12.000 tỷ đồng tín phiếu qua kênh thị trường mở để hút VND.
Nên quan tâm nhóm ngành nào?
Cập nhật về diễn biến tỷ giá, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC nhận định tỷ giá USD/VND gây sức ép đến lạm phát và nhà điều hành, gián tiếp ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát và lãi suất. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cũng gây áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng đồng USD và tác động đến dòng vốn ngoại trên thị trường. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi các nhóm ngành, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi và cẩn trọng với các nhóm ngành, doanh nghiệp gặp bất lợi khi tỷ giá tăng.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank lưu ý, với câu chuyện tỷ giá hiện nay, dù NHNN liên tục phát hành tín phiếu nhằm ổn định tỷ giá, nhưng cân đối vĩ mô nhìn chung ổn định và thanh khoản thị trường vẫn dồi dào. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không có áp lực phải bán tháo tài sản để xoay xở dòng tiền, nên các đợt điều chỉnh của VN-Index là do yếu tố tâm lý. "Vì vậy, việc đầu tư theo tỷ giá kết hợp với kết quả kinh doanh quý III tích cực là một chiến lược khá ổn trong bối cảnh hiện nay", chuyên gia lưu ý.
Theo báo cáo, tỷ giá tăng tác động tích cực tới các nhóm ngành xuất khẩu gồm: thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, săm lốp.
Cụ thể, với nhóm thủy sản, các cổ phiếu như VHC, ANV, IDI, FMC, MPC, CMX, ACL sẽ được hưởng lợi khi giá của hầu hết các mặt hàng thủy sản được quote (định giá) và giao dịch theo đồng USD. Với hóa chất, DGC được dự báo tích cực nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Nhóm dệt may tiêu biểu là TNG, TCM, STK, HTG, khi thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên kết quả kinh doanh không nhiều.
Nhóm đá thạch anh nhân tạo, đặc biệt là VCS, có thể tích cực nhờ chênh lệch tỷ giá tác động lên doanh thu lớn hơn chi phí lãi vay và nhóm săm lốp với DRC cũng có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.
Nhóm gỗ với đại diện là PTB có phần lớn doanh thu mảng gỗ và đá là xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và thu về đồng USD, trong khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu là tự chủ trong nước nên tỷ giá tăng sẽ tương đối có lợi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhóm trung lập gồm sắt thép, gạo, công nghệ thông tin. Nhóm sắt thép, HPG có tỷ trọng xuất khẩu trên tổng sản lượng chỉ ở mức 20%, trong khi 70% nguyên liệu nhập khẩu nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực nếu tỷ giá tăng mạnh. HSG và NKG có tỷ trọng xuất khẩu khá cao, nguyên liệu chính (thép HRC) có thể mua từ cả nguồn trong nước và nhập khẩu, sẽ hưởng lợi nếu tỷ giá tăng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang trên đà giảm kể từ tháng 3/2022 do nhu cầu xuất khẩu yếu.
Với nhóm công nghệ thông tin, tỷ giá tăng sẽ bù đắp lại tỷ giá JPY/VND giảm, ngoài ra các khoản vay bằng USD của FPT cũng sẽ được trả trực tiếp bằng đồng USD từ doanh thu tại thị trường Mỹ nên nhìn chung tác động đến kết quả kinh doanh là không nhiều.
Với nhóm tiện ích: REE, PC1, GEG, BCG, giá điện ở các dự án (trừ dự án chuyển tiếp) được neo theo đồng USD đã bù đắp thiệt hại ở các khoản vay bằng đồng USD. Ngược lại, NT2 bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá khí đầu vào được tính theo đồng USD do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác. Ngược lại, nhóm tiêu cực có phân bón, điển hình là DCM và DPM, do nguyên liệu đầu vào được tính bằng đồng USD, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ.