Từng được cá mập rót vốn và có tới 10 cửa hàng, vì sao Vua Cua nghỉ chơi trên sân nhà?

(DNTO) - Thông báo từ nhà sáng lập thương hiệu Vua Cua, chị Đoàn Thị Anh Thư, sau 9 năm phát triển, Vua Cua sẽ dừng phát triển tại thị trường Việt Nam.
Dù đã từng có khoảng 10 cửa hàng tại thị trường trong nước, tuy nhiên hiện tại Vua Cua chỉ còn 2 cửa hàng cho thuê nhượng quyền tại TP.HCM. Quyết định dừng lại trên chính sân nhà của nữ CEO khiến không ít người ngậm ngùi tiếc nuối.
Chị chia sẻ trên trang cá nhân, đang trong quá trình hoàn trả vốn đầu tư cho cổ đông. "Hầu hết mọi người đã đồng ý và tạo điều kiện để tôi làm việc này theo kế hoạch, tuy nhiên bên cạnh cũng có chông gai vì có một cổ đông (cổ phần 2.5%) cách đây 4 năm đã cho Vua Cua vay vốn với lãi suất 18%/ năm nhưng cần thêm lãi suất chứ chưa chịu trả dần gốc, nên vẫn đang đàm phán", chị cho biết.
"Lý do dừng lại thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là tôi thấy mình chưa đủ giỏi để đưa Vua Cua đi xa hơn cũng như trong 9 năm qua cũng có nhiều quyết định sai lầm bởi thiếu kinh nghiệm, hiếu thắng, đi quá nhanh, thiếu nguồn lực", chị Thư chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ai quan tâm đến thương hiệu này sẽ biết, năm 2016, Vua Cua khi ấy chỉ là quán ăn chuyên bán các món liên quan đến cua như cơm chiên cua, miến xào cua... Trong quá trình mở rộng, Vua Cua đã có thực đơn đa dạng, cùng đó là lượng khách và chi nhánh tăng lên, nổi tiếng với 12 loại nước sốt độc quyền.
Thương hiệu đã gọi vốn đầu tư thành công lên đến 3,5 tỷ tại chương trình chương trình Shark Tank Việt Nam. Năm 2022, Vua Cua cũng nhận được đầu tư từ Beacon Fund, một quỹ đầu tư đến từ Singapore. Thời đỉnh cao, Vua Cua đã có tới 10 cửa hàng tại thị trường trong nước và lấn sân sang thị trường Mỹ.
Chị luôn chọn cua Cà Mau là nguyên liệu chế biến, loại cua có bản sắc riêng, giá cả cạnh tranh và ngon hơn rất nhiều các loại cua nhập khẩu khác, một nỗ lực đưa sản phẩm nông sản Việt đến tay người tiêu dùng.
Vậy tại sao Vua Cua lại dừng ngay trên sân nhà? Báo cáo của IPOS.vn và Nestlé Professional về thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2024 cho biết, chỉ khoảng 40% doanh nghiệp duy trì doanh thu ổn định hoặc tăng trưởng, tuy nhiên "phần lớn gia tăng chi phí bán hàng và đẩy mạnh khuyến mãi để thu hút khách, dẫn đến biên lợi nhuận tương đối mỏng". Trong khi đó hơn 14% ghi nhận mức sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp đang bị bào mòn lợi nhuận do đối mặt với áp lực chi phí gia tăng. "Ngành F&B đang đối mặt với một thị trường khó khăn khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu", báo cáo nhận định và cho biết, năm 2025, khoảng 50% doanh nghiệp F&B tại Việt Nam sẽ quyết định tăng giá sản phẩm để đối phó với áp lực chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 năm ngoái, nữ CEO Đoàn Thị Anh Thư cho biết, "Phải kể 1001 đêm mới kể hết khó khăn trong hành trình lập nghiệp". Chị tiết lộ, bắt đầu từ khởi sự kinh doanh đến hiện tại, mục tiêu chị đề ra đã không như mong muốn của chị. Chị đúc kết, trong kinh doanh, giữa kế hoạch và kết quả khó liên quan và Vua Cua cũng tương tự.
Từ khi thành lập đến nay, gặp khó khăn do cả chủ quan và khách quan. Chủ quan là do tôi không đủ kinh nghiệm quản trị, sự hiểu biết thị trường... thành ra trong quá trình phát triển dễ chệch hướng, ví như sự quản trị con người cũng không đủ kinh nghiệm để khai phá hết trình độ của họ. Về khách quan, Vua Cua từng đạt đỉnh cao, tôi đã cố gắng để mọi thứ không bị biến mất nhưng khó khăn dồn dập khiến tôi bị mất kiểm soát", chị chia sẻ.
Trong kinh doanh F&B, chị cho biết, nhìn khách đông nhưng có thể không có lời hoặc trên báo cáo tài chính có lời nhưng chưa chắc thực sự đã có lợi nhuận.
Năm 2023, Vua Cua từng thâm nhập thị trường Mỹ với chiến lược không tập trung sản xuất và vận hành cồng kềnh mà tập trung marketing và bán hàng. "Để có doanh thu đột biến, thì một tháng chỉ cần xuất ba, bốn công hàng thì doanh thu gấp nhiều lần thời vàng son nhưng tổng nhân sự chỉ quanh quẩn 10 người", chị từng tiết lộ.
Vua Cua ở Mỹ từng vấp phải cạnh tranh lớn về giá. Tuy nhiên, chị cho biết, khó nhất là chất lượng thương hiệu, phải biết giá bán nào để được thị trường chấp nhận. Ngoài ra, hàng đi máy bay và hàng đi tàu là khác nhau nên khiến giá chênh lệch lớn.
Nhiều kế hoạch của nữ CEO phải dừng lại dang dở. Sự khốc liệt của thị trường F&B ngày càng lớn với sự cạnh tranh của nhiều chuỗi, nhiều thương hiệu đặt ra nhiều thách thức hơn với các nhà khởi nghiệp.