Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Sự đổ vỡ về nhân tính

(DNTO) - Trong những năm gần đây, số vụ việc trục lợi bảo hiểm được ghi nhận với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Nhưng khi một người mẹ xuống tay với chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra thì đó không còn là tội ác đơn thuần, mà là hành vi mất nhân tính, dấu hiệu của sự băng hoại, suy đồi đạo đức, là mối đe dọa thực sự đối với xã hội và con người.
Tối 5/4, Tô Thị Ty Na (sinh năm 1981, trú tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) đã bị Công an tỉnh Quảng Nam tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi giết người và trục lợi bảo hiểm. Hai vụ án xảy ra lần lượt vào năm 2021 và 2023. Cả hai nạn nhân đều là con trai ruột của bị can và cùng do ngã vào xô nước chết ngạt. Vụ án đã gây chấn động cả nước trong những ngày qua.

Tô Thị Ty Na, người mẹ xuống tay sát hại hai đứa con ruột để trục lợi bảo hiểm. Ảnh: Internet
Trục lợi bảo hiểm nhân thọ là gì?
Vào những năm 1600, lần đầu tiên bảo hiểm nhân thọ ra đời từ sáng kiến của William Gybbon - một vị thuyền trưởng ở Anh. Nhưng mãi đến những năm 1800, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mới dần được đón nhận rộng rãi trên thế giới. Tại Việt Nam, năm 1996, Công ty Bảo Việt Nhân thọ thành lập, được xem là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam.
Có thể hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng được ký giữa công ty bảo hiểm (người bán) và chủ hợp đồng (người mua bảo hiểm). Trong đó công ty bảo hiểm cam kết sẽ trả cho người thụ hưởng (được chỉ định trước) một khoản tiền (lợi ích) khi người được bảo hiểm bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo hoặc qua đời, (tùy thuộc vào hợp đồng).
Như vậy, Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) với ý nghĩa tích cực ban đầu là nhằm bảo vệ con người trong các trường hợp gặp rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, và tính mạng là công cụ hiệu quả giúp đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân và gia đình trước những rủi ro không lường trước.
Tuy nhiên, đời sống kinh tế người dân ngày càng nâng cao, các sản phẩm BHNT ngày càng đa dạng, phong phú, tiện lợi và có giá trị bồi thường trong nhiều trường hợp lên đến hàng tỷ đồng. Điều này đã đánh vào lòng tham khiến một số người bất chấp thủ đoạn để trục lợi. Mà cụ thể là vụ việc người mẹ nhẫn tâm sát hại con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam kể trên.
Trục lợi tiền bảo hiểm, xuống tay giết người
Trục lợi BHNT, xuống tay giết người không phải chuyện lạ và mới. Vào năm 1933, tại New York, Mỹ, sau 4 lần bị đầu độc không thành, lần thứ năm, Malloy đã bỏ mạng vì bị đầu độc bằng khí carbon monoxide.

Cả hai nạn nhân đều là con trai ruột của bị can. Ảnh: Internet
Michael Malloy là một người vô gia cư và nghiện rượu, là khách quen trong một quán rượu lậu. Mỗi lần say xỉn, Malloy thường hay quậy phá quán. Nhiều lần khiến chủ quán rượu vô cùng tức giận. Ông ta cùng với 5 người khác vạch ra kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ cho Malloy, sau đó giết chết Malloy để chia nhau tiền bảo hiểm.
Gần hơn, một cựu nữ cảnh sát 46 tuổi đã thuê sát thủ lần lượt từ năm 2012 – 2018 thủ tiêu 6 người thân trong gia đình để hưởng lợi từ các khoản thanh toán BHNT và chế độ tang lễ. Trước đó, bà ta đã mua các gói BHNT và tự chỉ định mình là người thụ hưởng cho các nạn nhân, bao gồm anh họ, chị gái, bạn trai, cháu gái và 2 cháu trai của bà ta. Đây được xem là vụ án giết người trục lợi bảo hiểm chấn động Nam Phi vào thời điểm đó.
Ở Việt Nam, tuy bảo hiểm nhân thọ được sinh sau đẻ muộn, thậm chí một số người hiện nay còn chưa thực sự hiểu rõ về nó, nhưng trong thực tế cũng đã xảy ra không ít vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ theo nhiều cách. Ly kỳ là vụ án giết người để trục lợi bảo hiểm và trốn nợ xảy ra vào năm 2020. Kẻ chủ mưu và thực hiện là bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, ông Đỗ Văn Minh (SN 1971).
Do nợ nần và có ý định trốn nợ, Minh tự mua cho mình gói BHNT mệnh giá 18 tỷ đồng rồi giết người thế mạng để trục lợi bảo hiểm. Minh ra tay sát hại nạn nhân, sau đó đưa nạn nhân vào ghế sau xe ô tô của mình, cố ý tông vào cột mốc ven đường, giả một vụ tai nạn giao thông. Kế tiếp, Minh đưa nạn nhân lên ngồi ở ghế tài xế, thắt dây an toàn rồi đốt xe. Mặc dù tử thi bị cháy biến dạng, nhưng cơ quan chức năng không khó để nhận ra đó không phải là Đỗ Văn Minh. Minh bị bắt và bị tuyên án tử hình.
Nhiều người có lẽ vẫn chưa quên vụ Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê người chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi vứt ở đường ray xe lửa, nhằm tạo dựng hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa nhằm trục lợi bảo hiểm. Do phía bảo hiểm chưa bồi thường nên N. không bị khởi tố. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho hành vi của N. là trở thành người tàn tật suốt đời.
Một vụ án khác liên quan đến số tiền bảo hiểm chi trả cho người đã mất là vụ Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, trú Đồng Nai) đầu độc 4 người thân trong nhà để chiếm đoạt 800 triệu đồng tiền bồi thường hợp đồng BHNT vào năm 2024.
Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Sự đổ vỡ về nhân tính
Có câu “hùm dữ không ăn thịt con”. Khi thủ phạm là một người mẹ mà động cơ trực tiếp là vì tiền thì đây không còn là vụ án đơn thuần nữa mà là hành vi mất nhân tính, dấu hiệu của sự băng hoại, suy đồi đạo đức, là mối đe dọa thực sự đối với xã hội và con người.

Tô Thị Ty Na bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi giết người và trục lợi bảo hiểm. Ảnh: Internet
“Sự đổ vỡ hoàn toàn về mặt nhân tính” là nhận định của nhà báo, tiến sĩ Tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu về thủ phạm Tô Thị Ty Na. Người mẹ cần bị xét xử nhưng những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn cũng cần đem ra "xét xử" để cảnh tỉnh toàn xã hội.
Từ vụ án này, vấn đề đặt ra là cần có các biện pháp quan tâm, hỗ trợ, chăm lo một cách thiết thực đối với những đứa trẻ có bố mẹ lệch lạc về nhân cách, vướng tệ nạn xã hội, hay vi phạm pháp luật. Đặc biệt là hiện tượng “Toxic Parents” (Những bố mẹ “độc hại”) đang trở thành vấn đề được nhìn nhận một cách nghiêm túc và khoa học của các nhà giáo dục học trên thế giới.