Vai trò huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp

(DNTO) - Với những ứng dụng rộng rãi trong điều trị các chấn thương và bệnh lý mạn tính, kỹ thuật tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) đã chính thức được Bộ Y tế Việt Nam công nhận là kỹ thuật hợp pháp, thông qua Thông tư 23/2024/TT-BYT. Hội thảo 'Vai trò huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp' do BV Đại học Y dược TPHCM tổ chức đã cho thấy những ứng dụng hiệu quả thực tế.
Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet-Rich Plasma – PRP) là sản phẩm sinh học được tách chiết từ máu ngoại vi, có nồng độ tiểu cầu cao hơn từ 3 đến 5 lần so với nồng độ tiểu cầu trong máu toàn phần. Tiểu cầu là nguồn dự trữ quan trọng của nhiều yếu tố tăng trưởng (growth factors) như PDGF, TGF-β, VEGF, EGF, IGF và các cytokine chống viêm, đóng vai trò thúc đẩy quá trình phục hồi mô, tái tạo sụn, tăng sinh mạch máu và kiểm soát viêm tại chỗ.

Các chuyên gia y tế đang trình bày những tính năng điều trị của huyết tương giàu tiểu cầu trong các bệnh lý cơ xương khớp
Trong những năm gần đây, PRP đã trở thành một phương pháp điều trị sinh học đầy tiềm năng trong bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp và viêm gân mạn tính. Đối với thoái hóa khớp, PRP được chứng minh có tác dụng cải thiện triệu chứng đau và chức năng vận động nhờ kích thích tái tạo mô sụn, giảm viêm và ức chế quá trình thoái hóa tại khớp. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả của PRP trong điều trị thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ đến trung bình, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực đã chia sẻ các vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm như: Vai trò của PRP trong điều trị thoái hóa khớp (ThS.BS. Trần Hồng Thụy, Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV ĐH Y Dược TP.HCM). Ứng dụng PRP trong điều trị bệnh lý viêm gân (ThS.BS. Bùi Đăng Khoa, Khoa Nội Cơ Xương Khớp, BV ĐH Y Dược TP.HCM). TS.BS. Lê Viết Thắng (Trưởng Đơn vị Điều trị Đau, Khoa Ngoại Thần kinh, BV ĐH Y Dược TP.HCM) đã chia sẻ về "Hiệu quả của PRP trong điều trị đau mạn tính".

PRP được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp
Trên thế giới, kỹ thuật PRP đã được ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực y học như phẫu thuật xương hàm mặt, phẫu thuật tim mạch, nhãn khoa và đặc biệt là trong điều trị các chấn thương cơ xương khớp, nhất là trong thể thao chuyên nghiệp. Nhiều vận động viên nổi tiếng đã sử dụng PRP để rút ngắn thời gian hồi phục sau chấn thương, từ đó tăng cường độ phổ biến của kỹ thuật này.
Tại Việt Nam, PRP hiện đang là một xu hướng mới trong điều trị cơ xương khớp và phục hồi chức năng, đặc biệt được quan tâm trong các bệnh viện lớn và trung tâm y học thể thao. Với sự tiến bộ của công nghệ và thiết bị, việc tách chiết PRP ngày càng an toàn và hiệu quả, mang lại hy vọng mới trong điều trị các bệnh lý mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp và các tổn thương cơ xương khớp do chấn thương.
Ngoài ra PRP cũng đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ như: điều trị rụng tóc, sẹo mụn, trẻ hóa da và cải thiện làn da lão hóa. Với khả năng kích thích tăng sinh collagen và tái tạo mô, PRP mang lại hiệu quả rõ rệt mà không cần can thiệp xâm lấn. Nhiều phòng khám chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ viện và trung tâm công nghệ cao hiện nay đã áp dụng PRP như một giải pháp an toàn, tự thân, hiệu quả lâu dài, đặc biệt được ưa chuộng trong xu hướng làm đẹp không phẫu thuật.

Yếu tố tăng trưởng (Growth Factor - GF)
Việc PRP được Bộ Y tế đưa vào hệ thống danh mục kỹ thuật không chỉ là sự công nhận chính thức về mặt pháp lý, mà còn thể hiện rõ sự đánh giá cao của cơ quan quản lý đối với tính an toàn, hiệu quả và xu hướng ít xâm lấn của phương pháp này trong điều trị.
Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp các bệnh viện, phòng khám có cơ sở để đầu tư bài bản vào trang thiết bị, đào tạo chuyên môn và triển khai kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh, đồng thời hỗ trợ các bác sĩ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đây cũng là dấu mốc pháp lý quan trọng giúp chuẩn hóa việc triển khai PRP trên toàn hệ thống y tế, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ và đơn vị cung cấp thiết bị y tế đầu tư bài bản, mang đến giải pháp điều trị hiện đại, hiệu quả, an toàn cho người bệnh tại Việt Nam.