Bạo hành con cái không đòn roi
(DNTO) - Gần đây, liên tiếp những vụ bạo hành con cái của các ông bố bà mẹ được dư luận xã hội quan tâm. Nhìn các em nhỏ mặt mày thâm tím, thân thể đầy thương tích, ai cũng đau lòng. Song, còn có một dạng "tra tấn" con trẻ ít ai nghĩ đến: Bạo hành không đòn roi.
Có một kiểu bạo hành con trẻ mà nhiều khi, bản thân bố mẹ cũng không nhận biết. Đó là “cuộc chiến" mà ở đó, 2 bên “tham chiến” chính là những ông bố - bà mẹ.
Có những cuộc chiến âm ỉ, thầm lặng, băng giá. Có những cuộc chiến nổ ra dữ dội, sôi sục khí thế. Nhưng dù là kiểu nào, thì tầm "sát thương” của nó đối với con trẻ đều nặng nề như nhau.
“Chiến tranh lạnh” thường rơi vào các cặp vợ chồng trí thức, địa vị. Họ không trực tiếp chửi rủa, đánh đập nhau, nhưng sự lạnh nhạt, cô lập đối phương khiến không khí trong nhà lạnh lẽo, buồn tẻ và bất an. Phải sống trong một môi trường như thế, trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo lắng…
Tâm trạng chờ đợi sự bùng nổ khiến trẻ luôn căng thẳng, phập phồng lo sợ. Chúng sẽ tìm cách trốn tránh, rút vào một nơi an toàn và “thế giới cô đơn” là cuộc sống mà trẻ phải đương đầu. Bên cạnh đó, nhiều ông bố bà mẹ còn lôi kéo con mình về “phe đồng minh”, hoặc dùng con như “sứ giả đưa tin” khiến trẻ mệt mỏi và khó xử. “Chiến tranh lạnh” thường âm ỉ, kéo dài làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày của gia đình, khiến mọi người mệt mỏi, kiệt sức.
Khác với chiến tranh lạnh là kiểu chiến tranh “bạo phát bạo tàn”. Nó nổ ra ầm ĩ với những cuộc cãi vã kịch liệt, thậm chí chửi rủa nhau không tiếc lời. Những từ ngữ dung tục được cả hai tung ra “chơi hết bóp”. Họ bới móc những thói hư tật xấu của đối phương, hài tội nhau, kể lể, khóc than, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" nhau trước mặt con, có khi náo loạn cả khu phố. Nhiều trường hợp, các cặp vợ chồng không ngần ngại đánh nhau cả ngoài đường phố hoặc nơi công cộng. Phải chứng kiến cách hành xử này của cha mẹ, cảm giác đầu tiên mà trẻ phải hứng chịu là sợ hãi, sau đó là xấu hổ, tự ti với mọi người xung quanh, nhất là với bạn bè trang lứa.
Việc con cái thường xuyên chứng kiến cha mẹ cãi vã, nhục mạ, mắng chửi, đánh đập nhau sẽ làm cho chúng bị khủng hoảng tâm lý, dẫn đến trầm cảm, tự kỷ, chán chường và bất cần với mọi việc xung quanh. Trẻ sẽ trở nên nhút nhát, khép kín. Trẻ càng nhỏ tuổi, ảnh hưởng càng nặng nề hơn; đặc biệt là trẻ trong độ tuổi dậy thì.
Có nhiều trường hợp do đã quen thấy, quen nghe cha mẹ mắng chửi nhau, dần dần trẻ bị “miễn nhiễm”. Nhưng di chứng để lại là trẻ sẽ xem hành động bạo lực là chuyện bình thường. Từ đó, trẻ cũng sẽ dùng bạo lực như một phương thức giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Trẻ bị đối xử bạo lực thì khi lớn lên, các em dễ có hành vi bạo lực với người khác. Điều này đã được khoa học tâm lý và thực tế cuộc sống chứng minh. Ngoài ra, tình trạng ngán ngại lập gia đình vì mất niềm tin vào hôn nhân cũng có nguyên nhân từ việc con cái phải sống triền miên trong “cuộc chiến song thân”.
Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ có liên quan đến sự sang chấn tâm lý trong giai đoạn đầu đời. TS. Michael Murphy - nhà nghiên cứu tâm lý học thuộc Đại học Carnegie Mellon cho biết: Những sang chấn tâm lý trong giai đoạn đầu đời có thể tác động tới tiến trình tâm lý, khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh mạn tính và sức khỏe yếu đi.
Còn theo nhà sinh học phân tử John Media, trong cuốn sách “Luật trí não” (NXB Lao động - Xã hội) thì sự căng thẳng ở nhà có liên quan sâu sắc tới khả năng học tốt của trẻ ở trường, ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập của trẻ.
Vì vậy, điều quan trọng nhất mà bố mẹ nên làm cho các con mình ngoài việc nuôi nấng, dạy dỗ chúng, đó chính là hãy yêu thương nhau. Tất nhiên, “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau là chuyện bình thường. Nhưng không nên cãi nhau trước mặt trẻ; tranh luận để tìm ra điểm chung, hướng giải quyết vấn đề, chứ không cãi cho sướng miệng. Không để “chiến tranh” làm cho bố mẹ chìm đắm trong nỗi buồn rồi bỏ rơi con trẻ. Hãy cho con cái chúng ta một gia đình nguyên vẹn và bình yên.
Bởi không chỉ khi bị ngược đãi, đòn roi, con trẻ mới trở thành nạn nhân của bạo hành, chính những cuộc “chiến tranh không khoan nhượng” thường xuyên của bố mẹ đã đầu độc tinh thần con trẻ, gây nên những sang chấn tâm lý, tổn thương khó chữa lành.