Đã đến lúc bố mẹ cần thấy rõ vai trò của mình trong việc hình thành, phát triển nhân cách của con
(DNTO) - Một đoạn clip ghi lại cảnh hai thiếu niên bị đánh dã man tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố bước đầu đã được làm rõ. Kẻ ra tay tạm thời bị đình chỉ công tác để chờ xử lý. Tất nhiên, sai phạm của anh ta là không thể chối cãi. Nhưng…
Ba ngày nay không gian cộng đồng mạng lại nóng lên sau khi một đoạn clip dài hơn một phút được lan truyền. Đoạn clip ghi lại cảnh một bảo vệ dân phố đã liên tục đấm, đá, tát vào mặt 2 thiếu niên theo cái cách rất côn đồ và dã man. Một cảnh tượng mà chắc chắn nếu không vì “nhiệm vụ” không ai có can đảm để xem từ đầu đến cuối.
Hành hung kẻ khác nhất là bạo hành trẻ em cho dù với bất cứ lý do gì cũng không được xã hội chấp nhận và tất nhiên tùy theo mức độ sẽ bị luật pháp xét xử. Cụ thể hành vi của nam bảo vệ dân phố trong trường hợp này, có thể sẽ bị xử lý về hành vi “Hành hạ người khác” hay “Cố ý gây thương tích” và sẽ có các bước tố tụng tiếp theo, theo lời ông Bùi Thế Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 10 tại buổi họp báo.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, vụ việc khiến chúng ta lo lắng và trăn trở hơn chính là tình trạng lệch lạc nhân cách của một bộ phận thanh thiếu niên biểu hiện qua các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật càng ngày càng gia tăng.
Cũng theo ông Hải, lúc 20h ngày 31/3, hai em bị bảo vệ phát hiện leo rào vào trường. Tại đây, có một em thừa nhận đột nhập 3 lần, em còn lại khai đột nhập 5 lần nhằm mục đích trộm tài sản.
Trẻ vị thành niên vi phạm luật pháp, trách nhiệm thuộc về ai? Đó không chỉ là nỗi niềm trăn trở mà còn là một câu hỏi lớn cần giải đáp và giải pháp, cần sự vào cuộc của các nhà xã hội, tâm lý, giáo dục học, của các cơ quan có liên quan, của nhà trường… Và nhất là của từng gia đình, cụ thể là của từng ông bố, bà mẹ.
Gia đình được xác định đóng vai trò quyết định quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, nhất là các em trong độ tuổi vị thành niên - một giai đoạn khủng hoảng tâm lý, dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi môi trường sống, bởi sự lôi kéo, rủ rê, dễ lạc vào những cám dỗ, cạm bẫy…
Gia đình là nơi mà mỗi đứa trẻ được sinh ra và sống những năm đầu đời trước khi bước chân đến trường và ra ngoài xã hội, là nơi hình thành phát triển nhân cách, là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người. Gia đình là nơi đầu tiên giáo dục con trẻ các giá trị tốt đẹp của một con người thông qua các hành vi ứng xử: Đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, chị ngã em nâng, ăn trông nồi ngồi trông hướng, ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt…
Ngày nay, mô hình gia đình đã có ít nhiều thay đổi: Sự kết nối, sum vầy, ấm áp, gắn bó của tam tứ đại đồng đường ít còn chi phối đời sống con người nữa; Mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo nên nhiều tiêu cực, cám dỗ; Sự bước chân ra ngoài xã hội của các bà mẹ; Sự có mặt của các thiết bị thông minh và hiện tượng trẻ bị lệ thuộc vào các thiết bị ấy; Sự buông lỏng giáo dục, ít quan tâm tới con cái của bố mẹ… Tất cả đã tạo nên sự trống trải quạnh hiu trong mỗi gian nhà, tạo nên sự cô độc đơn chiếc trong tâm hồn con trẻ.
Rất nhiều ông bố bà mẹ đưa ra nguyên nhân bận rộn trong công việc và eo hẹp thời gian như một “an ủi” cho các thiếu sót trong việc giáo dục con cái của mình. Đã đến lúc bố mẹ đừng nên sử dụng thứ “vũ khí” này nữa. Đã đến lúc bố mẹ nên biết rằng khi chẳng may có một đứa con hư hỏng, thì cho dù trong nhà có bao nhiêu tài sản, địa vị xã hội có quan trọng cỡ nào cũng không có ý nghĩa gì.
Đã đến lúc các bố mẹ đừng toàn tâm toàn ý giao con mình cho thầy cô giáo, cho bác tài xế và cô giúp việc nữa. Sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường sẽ giúp bố mẹ định hướng, uốn nắn và điều chỉnh nhân cách của các bạn nhỏ kịp thời và có hiệu quả qua từng giai đoạn phát triển.
Quan trọng nhất vẫn là bố mẹ hãy làm tấm gương cho con. Cha mẹ tiêu xài hoang phí, biển thủ của công thì không thể giáo dục con sự tiết kiệm và lương thiện; Bố mẹ sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cư xử thiếu văn hóa, thiếu đạo đức thì không thể giáo dục con trở thành người tử tế, có nhân cách tốt…
Cuối cùng, bố mẹ hãy dũng cảm nhìn nhận trách nhiệm: “Mũi dại lái chịu đòn” mỗi khi con chúng ta phạm lỗi. Luôn nhớ câu “thượng bất chính hạ tắc loạn” để tự răn mình.
Tóm lại, giúp con trẻ hình thành và phát triển nhân cách trở thành một người tử tế, một công dân có ích cho xã hội là trách nhiệm đặc biệt của bố mẹ không ai có thể thay thế.