Trẻ vị thành niên tự sát: Trách nhiệm lớn thuộc về gia đình
(DNTO) - Bố mẹ hãy dành thời gian để quan sát và giải quyết kịp thời những căng thẳng trong cảm xúc của các con đang độ tuổi vị thành niên. Đừng từ bỏ hay thờ ơ với con cho dù chúng có phạm phải bất cứ sai lầm nào. Đó là cách hạn chế tình trạng tự sát ở trẻ vị thành niên.
Việc hai cô gái trẻ rơi từ tầng 20 chung cư Topaz Home (số 102, đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12) xuống đất tử vong làm bàng hoàng dư luận trong mấy ngày qua, bước đầu đã có được một số thông tin liên quan.
Hai nạn nhân được xác định cùng sinh năm 2005, đang là học sinh cấp 3 tại một trường phổ thông ở quận 3. Theo chia sẻ của hai gia đình, hai em vốn có mối quan hệ tình cảm. Khoảng 1 tuần trước cả 2 đã bỏ nhà đi. Theo một số tin nhắn được ghi trong điện thoại mà gia đình đọc được thì cả hai có ý định tự tử và hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Không cần đến những công trình nghiên cứu xã hội học, người ta cũng dễ dàng nhận thấy trong thực tế những năm gần đây, việc tự tử của trẻ vị thành niên ngày càng có xu hướng gia tăng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em có hành động tự sát nhưng nổi rõ hơn hết ở lứa tuổi này là áp lực học tập, thi cử và bế tắc trong tình yêu.
Còn nhớ câu chuyện cô học trò Nguyễn Thị H. (18 tuổi) treo cổ tự tử tại nhà chỉ vì không đủ điểm chuẩn vào trường đại học mình mong muốn khiến nhiều người dân ở thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam bàng hoàng, xót xa. Cũng liên quan đến việc học tập, một em nữ sinh lớp 10 ở thị xã Tân Châu, An Giang) đã uống thuốc tự tử tại trường làm xôn xao cộng đồng mạng một thời gian dài.
Do bị gia đình cấm cản kết hôn, hai thiếu niên ở Nghệ An vào rừng ăn lá ngón hay do bị mẹ la mắng vì hẹn hò với bạn trai M.N, 14 tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai, đã quyết định tự kết liễu đời mình bằng 10ml thuốc diệt cỏ… là những trường hợp đáng báo động về tình trạng trẻ vì thành niên tự tử vì… yêu.
Tình trạng tự tìm đến cái chết của trẻ vị thành niên, chuyện không có gì mới nhưng sự gia tăng về vụ việc và tính chất quyết liệt của nó gần đây là mối quan tâm, trăn trở, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò quan trọng và gia đình là then chốt.
Tại TP.HCM, vài năm gần đây nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống. Thạc sĩ Phan Minh Phương Thùy (khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh là rất lớn, nhưng thực tế công tác tư vấn tâm lý học đường lại chưa mấy hiệu quả do học sinh còn e ngại và chuyên viên tư vấn chưa tạo đủ niềm tin cho các em.
Về phía gia đình, rất nhiều cha mẹ có tâm lý giao phó cho nhà trường vì “không có thời gian” - nhất là những bố mẹ làm nghề kinh doanh. Công việc “làm ăn” đã ngốn hết thời gian của họ khiến sự quan tâm đến con cái bị bỏ lửng. Họ tự an ủi: Cố kiếm cho thật nhiều tiền thì cũng là vì con thôi, cho chúng có cuộc sống đầy đủ, điều kiện học tập ối ưu, một tương lai xán lạn không thua kém bạn bè…
Cũng không loại trừ do trình độ học thức hạn chế, sự tiếp cận với xã hội phát triển không kịp thời, nhiều bố mẹ thiếu kỹ năng về cách làm bố mẹ, không thể cung cấp cho con những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với thời đại.
Không có chỗ bám víu, không có nơi tin cậy để chia sẻ, không có người tư vấn định hướng khi thất bại sẽ đẩy trẻ đến bế tắc và tìm sự giải thoát bằng cách tự sát.
“Ở góc độ giáo dục nhà trường và gia đình lâu nay, chúng ta quá chú tâm dạy trẻ chiến thắng, thành công mà quên đi việc dạy các em biết đương đầu với thất bại”, ông Hoàng Anh Tú người giữ mục Công ty Divu dưới bút danh "Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò, nhận định.
Theo ông: “Trong rất nhiều lần tôi tham gia tư vấn cho các bậc phụ huynh có con ở tuổi mới lớn dính vào chuyện yêu đương, tôi đều tập trung vào cha mẹ nhiều hơn là “nhân vật chính”…”.
Không quan tâm hoặc không có thời gian quan tâm đến con cái là một hạn chế đáng kể của bố mẹ. Nhưng quan tâm bằng cách la rầy, cấm đoán, áp đặt lại là một sai lầm lớn mà bố mẹ cũng thường hay mắc phải. Trong nhiều trường hợp, việc rầy la cấm đoán chỉ làm con trẻ cảm thấy bị xúc phạm và hành động nông nổi gây nguy hiểm đến tính mạng. Dành thời gian lắng nghe, phân tích thiệt hơn, chuẩn bị sẵn sàng cho việc con vấp ngã, giúp con đứng lên khi thất bại, trở thành một bờ vai, điểm tựa chứ đừng xây rào quanh con… đó là những lời khuyên mà các chuyên gia tâm lý nhắn gửi đến các bố mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, khi con thi rớt, chính bố mẹ là người an ủi nâng đỡ con, trao đổi với con những dự định, kế hoạch về một hướng đi phù hợp. Khi con gặp “khủng hoảng” trong chuyện yêu đương ở lứa tuổi mà khả năng kiểm soát cảm xúc chưa hoàn thiện, bố mẹ cần tạo sự gần gũi, gắn bó để nghe con tâm sự, chia sẻ, đưa ra lời khuyên và các giải pháp khi cần.
Cuối cùng nếu thấy cần thiết, bố mẹ nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý có uy tín.