Dạy cho trẻ cách tự vệ, 'tháo chạy' khi bị đánh
(DNTO) - Ngăn chặn thảm họa bạo lực học đường cần bắt nguồn từ sự giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, kỹ năng ứng xử cho trẻ ngay khi còn bé. Dạy cho các em cách “tháo chạy” khi bị đánh chẳng qua cũng chỉ là mang tính đối phó tạm thời. Nhưng trong tình hình hiện nay, điều này thật sự rất cần thiết.
Chỉ tính trong vòng tháng 3/2021, những vụ đánh nhau trong học sinh liên tiếp xảy ra. Mở màn vào đầu tháng 3, một nữ sinh THCS bị nhóm học sinh khác đánh “hội đồng” diễn ra tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Tiếp theo, tại Hà Nội, 1 nữ sinh Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ) cũng phát hiện bị đánh hội đồng qua một đoạn clip được tung lên mạng.
Nghiêm trọng hơn là trường hợp xảy ra tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Một nhóm người dùng gậy sắt, mũ bảo hiểm đập tới tấp vào đầu một nữ sinh. Vụ nữ sinh lớp 9 trường THCS Tô Hiệu (TP Hải Phòng) bị 1 nhóm học sinh đánh "hội đồng" được ghi nhận tiếp theo.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài 5 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Không chỉ là nữ sinh, các em nam sinh cũng là nạn nhân trong các cuộc hành hung. Tại Trường THPT Lang Chánh, Thanh Hoá, một nam sinh bị bạn cùng trường đánh vỡ sọ não trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Cũng xuất hiện trong một clip trên mạng xã hội là cảnh một học sinh nam đang học lớp 10 Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk bị các bạn học vây đánh hội đồng trong nhà vệ sinh.
Nạn học sinh đánh nhau trong trường học mà hầu hết là “đánh hội đồng” cùng với các hình thức bạo lực học đường khác ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, là mối lo ngại hàng đầu của các gia đình có con em trong lứa tuổi phổ thông, nhất là các bố mẹ không có điều kiện thường xuyên ở bên cạnh con cái. Đây cũng là nỗi lo ngại của nhà trường và là mối quan tâm của toàn xã hội.
Nguyên nhân và các giải pháp khắc phục đã được đưa ra mổ xẻ thậm chí trở thành các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, tâm lý, giáo dục, xã hội học… Tuy nhiên vẫn còn rất ít nơi đề cập đến một việc cấp bách tức thì. Đó là chỉ cho các em cách tháo chạy khi bị đánh.
Trong thực tế, hầu hết vụ việc xảy ra, nạn nhân đều có chung một thái độ khi bị đánh là cúi đầu cam chịu chứ không dám phản kháng. Nhiều trường hợp, vụ đánh hội đồng diễn ra ngay trước cửa lớp, có thể chạy thoát dễ dàng để cầu cứu nhưng các em vẫn chịu trận.
Theo dõi trên video, vụ việc xảy ra tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, dễ dàng nhận thấy nạn nhân bị bạn dùng tay tát liên tiếp, giật tóc kéo xuống sàn, thậm chí còn đá vào mặt. Nhưng em hoàn toàn không có chút phản ứng tự vệ. Một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Trung Mầu bị đá, đạp vào mặt rất nhiều lần cũng chỉ biết ôm đầu kêu khóc.
Kể cả các bạn nam như em học sinh ở Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, Đắk Lắk, bị các bạn học vây đánh trong nhà vệ sinh cũng chỉ biết ngồi gục xuống, khóc lóc và van xin, bó gối chịu trận.
Nhìn những gương mặt đằng đằng sát khí, hung tợn của đám đông giận dữ trút đòn thù lên bạn mình; Nhìn những gương mặt vô cảm hả hê cười cợt, cổ vũ cho trận đánh… chúng ta bất bình và hoang mang lo lắng. Nhưng trước hình ảnh chịu trận, phủ phục, ôm đầu hứng chịu đòn roi của nạn nhân, cho dù em ấy thật sự có lỗi hay chỉ bị hiểu lầm thì quả thật khiến người xem quá đau lòng.
Ngăn chặn thảm họa bạo lực học đường phải là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội. Bắt nguồn từ sự giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, kỹ năng ứng xử cho trẻ từ rất sớm. Dạy cho các em cách “tháo chạy” khi bị đánh chẳng qua cũng là chữa cái ngọn, nó mang tính đối phó tạm thời, tức thì cho qua cơn. Nhưng trong tình hình hiện nay, điều này thật sự rất cần thiết.
Làm gì khi bị đánh hội đồng? Đã nói là đánh hội đồng thì chắc chắn sẽ có nhiều người. Kháng cự hoặc ngồi im chịu trận đều là những phương cách bất lợi. Tháo chạy thoát thân mới là phương án tối ưu. Chạy càng nhanh càng tốt đến chỗ có người có thể giúp mình như chạy lên văn phòng Ban giám hiệu, ở chỗ có thầy cô giáo, chạy ra phòng bảo vệ. Vừa chạy vừa la lớn cầu cứu. Khi kêu cứu cần hướng về một người cụ thể, có khả năng giúp mình không nên trông chờ vào đám đông.
Khi chạy, tất yếu sẽ bị đuổi theo. Vì thế, nếu phát hiện những thứ có thể sử dụng làm vũ khí như cành cây, gậy gộc, gạch đá... hãy chộp lấy, chống trả để cản bước tiến của bọn hành hung nhằm có thêm thời gian chạy thoát thân. Hãy nhớ, không bao giờ nên thủ sẵn “vũ khí” như một cách để tự vệ. Nhưng khi bị đánh, tận dụng mọi vật dụng trên đường thoát chạy để tự vệ, thoát thân là việc nên làm.
Về lâu dài, nếu có điều kiện nên cho các em tham gia học một môn võ thuật để rèn luyện sức khỏe, để biết cách xử lý các tình huống, nhất là khi bị tấn công bởi đám đông, để bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác.