Có thật những đứa trẻ con nhà giàu khó giáo dục hơn trẻ con nhà nghèo?
(DNTO) - Ngôi sao của Shark Tank Mỹ - bà trùm bất động sản Barbara Corcoran, người từng trải qua một tuổi thơ dữ dội đã chia sẻ: "Khi những đứa con của bạn được sinh ra trong nhung lụa, bạn phải hết sức cẩn thận. Thật phức tạp để chúng hiểu được giá trị của đồng tiền".
Có thật là những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa - tạm gọi là con nhà giàu, thì khó giáo dục hơn trẻ con nhà nghèo?
Ai cũng biết điều kiện kinh tế có tác động rất lớn tới cuộc sống của con người. Nhiều bậc cha mẹ cố công làm việc kiếm tiền với mong muốn đáp ứng tốt nhất các điều kiện sống của con cái. Sinh ra trong gia đình khá giả, ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã được chăm sóc, dinh dưỡng đầy đủ, vui chơi, học hành trong môi trường tốt hơn. Song, theo các nhà tâm lý thì những gia đình "có điều kiện" thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái hơn. Trong một buổi thảo luận về kỹ năng làm cha mẹ ở Đồng Nai, có trên 60% phụ huynh cũng cho rằng điều kiện kinh tế gia đình khá giả, giàu có sẽ khiến việc giáo dục trẻ khó hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
Thực tế, có nhiều gia đình cha mẹ ít học, lao động chân tay trong một môi trường khắc nghiệt, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, họ phải vất vả đầu tắt mặt tối để lo cơm áo gạo tiền, việc giáo dục con cái đôi khi cũng không mấy sát sao và có “bài bản”, tất nhiên những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình như thế cũng sẽ vất vả thiếu thốn. Nhưng bù lại, do được tận mắt chứng kiến nỗi cực khổ, sự hy sinh của bố mẹ một cách cụ thể như việc cha mẹ phải nhịn ăn nhịn mặc nhường cơm áo cho con. Từ đó, các em có thái độ cảm thông, chia sẻ, không đòi hỏi tiền bạc, biết tự lập trong sinh hoạt cá nhân, tự giác trong học tập và có ý thức phụ giúp cha mẹ việc nhà hoặc phụ giúp việc kiếm tiền.
Khát vọng muôn đời của đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó bao giờ cũng là nỗ lực thoát nghèo, trước hết là cho cha mẹ đỡ vất vả - đó là lòng hiếu thảo, sau là bản thân được có một tương lai tốt hơn – đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên. Những phẩm chất tốt đẹp ấy được nảy sinh từ hoàn cảnh nghèo khó mà không cần lời giáo huấn từ sách vở hay từ những bài giảng đạo đức lê thê.
Ngược lại, là những đứa trẻ may mắn đi học có người đưa rước bằng ô tô, ở nhà có người giúp việc lo tất tần tật, học hành thì có gia sư kề bên. Bố mẹ trong mắt chúng là những người sang trọng, lúc nào tiệc tùng vui vẻ, ăn uống thừa mứa, du lịch bốn bể năm châu, thậm chí bên dưới có nhân viên bợ đở, cung kính. Trẻ sẽ không thấy được bố mẹ chúng cũng rất vất vả theo cái cách riêng của một người thành đạt, trẻ cũng không nhận ra một ông bố bà mẹ ăn sung mặc sướng, có người hầu kẻ hạ thì cần được bù đắp những gì. Chúng cứ vô tư tiêu xài tiền của cha mẹ và chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Được đáp ứng tiền bạc một cách dễ dàng, vô điều kiện, trẻ sẽ “được voi đòi tiên”. Vì biết chắc bố mẹ có tiền nên khi không được đáp ứng nhu cầu trẻ sẽ phản ứng gay gắt. Quan hệ cha mẹ - con cái trong nhiều trường hợp chỉ còn là mối quan hệ "xin - cho".
Tuy nhiên, cho rằng cứ hễ con nhà giàu là hư hỏng, ỷ lại, lười nhác, không có ý chí phấn đấu và khó thành đạt là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Thực ra, gia đình có điều kiện kinh tế khá giả chính là cơ sở, là tiền đề tạo ra môi trường giáo dục trẻ một cách thuận lợi và hiệu quả. Điều kiện kinh tế góp phần rất lớn chấp cánh cho mọi ước mơ vươn tới tầm cao của tri thức. Nó cũng là tiền đề giúp cho trẻ khi lớn lên có một nền tảng vững chắc ở bước đầu khởi nghiệp. Trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, quá trình phấn đấu sẽ đỡ vất vả hơn nhiều so với trẻ trong gia đình nghèo khó.
Chỉ cần bố mẹ biết tùy thuộc vào hoàn cảnh mà nắm bắt tâm sinh lý của các con để có phương pháp nuôi dạy phù hợp thì sẽ cho ra hiệu quả tốt. Khi trẻ em con nhà nghèo xin một món gì đó nhiều tiền, bố mẹ có thể trả lời “nhà mình không có tiền” và trẻ sẽ hoàn toàn thông cảm với bố mẹ. Nhưng với bố mẹ nhà giàu thì cách ứng xử phải hoàn toàn khác. Có thể nghe Kevin O'Leary, một ông trùm kinh doanh, chia sẻ: Ông không bao giờ mua vé hạng thương gia cho các con trên các chuyến bay. “Vì con không có tiền”, ông nói với chúng.
Tóm lại, những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa và những đứa trẻ con nhà nghèo đều có cơ hội thành công và thành nhân ngang nhau. Chỉ là cách giáo dục của bố mẹ có khác nhau. Đừng bao giờ cho trẻ một cuộc sống "thừa mứa" về vật chất mà thiếu thốn về tinh thần: những cử chỉ ân cần từ phía cha mẹ, những câu hỏi han, chia sẻ chân thành, những bữa cơm gia đình ấm áp, những buổi sinh hoạt thân mật giữa các thành viên trong nhà...
Như vậy, dù gia đình có hoàn cảnh ra sao, các con cũng sẽ có cơ hội trở thành người tử tế, giỏi giang và thành đạt.