'Toxic Parents' - Những bố mẹ 'độc hại'
(DNTO) - Trong cuốn sách “Toxic Parents: Overcoming Their Hurtful Legacy and Reclaiming Your Life” của các tác giả Craig Buck và Susan Forward, Tiến sĩ Susan Forward đã chỉ ra, có một loại ông bố bà mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, đối với cuộc sống của con mình. Đó là những “Toxic parent”.
Ngày 13/01/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Lê Thành Công (SN 1978, trú tại Bắc Từ Liêm) về tội "Cố ý gây thương tích" mà nạn nhân chính là con gái ruột của bị can, một cháu gái 6 tuổi.
Theo kết luận điều tra, trong quá trình dạy kèm con gái học bài, vì cháu không tập trung, chậm hiểu nên Lê Thành Công đã lần lượt dùng đũa ăn cơm, dùng que tre, dùng đoạn cán chổi bằng gỗ bị gãy vụt nhiều phát vào người cháu bé…, sau đó nạn nhân tử vong.
Nếu như mới đây, khi xảy ra câu chuyện bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, đa số dư luận tập trung lên án “mụ dì ghẻ” với mối quan hệ “khác máu tanh lòng” thì nay trước việc cha ruột hành hạ con đến mất mạng, có lẽ sự việc cần được nhìn nhận theo một góc khác. Nó không còn nằm trong quan điểm giáo dục cũ xưa “thương cho voi cho vọt”, nó cũng không liên quan đến mối quan hệ mẹ ghẻ cha dượng mà nó rơi vào trường hợp “Toxic Parents” - Những bố mẹ “độc hại”.
Trong cuốn sách “Toxic Parents: Overcoming Their Hurtful Legacy and Reclaiming Your Life” của các tác giả Craig Buck và Susan Forward, Tiến sĩ Susan Forward đã chỉ ra, có một loại ông bố bà mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, đối với cuộc sống của con mình. Đó là những “Toxic parent”.
Đã là con người ai cũng có những khiếm khuyết nào đó, tất cả các ông bố bà mẹ cũng vậy. Họ cũng có nhiều vấn đề cá nhân. Họ cũng có những cơn nóng giận bộc phát khiến họ la mắng, kiểm soát con cái… đôi khi quá mức là điều bình thường. Nhưng khi bố mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, gây hại cho những đứa con của mình thì vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và khoa học, để tránh biến trẻ em thành nạn nhân của chính cha mẹ chúng, thậm chí đổi bằng những cái chết rất thương tâm.
Có nhiều nguyên nhân để bố mẹ trở thành “Toxic Parents”: Do nền tảng giáo dục, do lệch lạc nhân cách, do vướng tệ nạn xã hội... đơn giản hơn là thiếu kỹ năng làm bố mẹ một cách bài bản. Nhất là ở những nơi mà người ta thường học cách làm bố mẹ chủ yếu từ bố mẹ họ (ông bà nội ngoại) - những kỹ năng được kế thừa từ đời này sang đời khác. Cho nên thật khó khăn để bố mẹ có thể thừa nhận việc họ là “Toxic Parents”.
Những hành vi được cho rằng thể hiện bố mẹ là “Toxic Parents” rất đa dạng nhưng kể riêng về bạo hành thì thường có hai dạng: Bạo hành tinh thần và bạo hành thân thể.
Bạo hành tinh thần phổ biến là bạo hành về ngôn ngữ. Bố mẹ dùng ngôn từ để tấn công con. Về ngoại hình: “mập như con heo” hay “ốm như con mắm”. Về trí tuệ: “Ngu như bò”… Họ trêu chọc, mỉa mai, gọi con bằng những nickname có tính chất xúc phạm, hạ thấp giá trị bản thân, thậm chí “Biết vậy, tao đã không đẻ ra mày, đẻ ra cái trứng luộc ăn còn có lợi hơn… Đây là kiểu bạo hành tinh thần tinh vi núp bóng vẻ ngoài hài hước. Nó thường rơi vào bố mẹ là người có học thức, địa vị. Họ kỳ vọng đứa con mình phải trở nên hoàn hảo, họ ảo tưởng bố mẹ thành đạt, cần có những đứa con hoàn hảo để có được một gia đình hoàn hảo.
Những đứa con của “Toxic parents” kiểu này thường chịu đựng những cơn đau đầu, đau dạ dày, căng cứng cơ bắp, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn hoặc ăn quá mức mà chỉ có các nhà chuyên môn mới phát hiện ra.
Loại thứ hai mà chúng ta chứng kiến dồn dập gần đây là bạo hành thân thể. Hành vi này thường rơi vào những bố mẹ kiệm lời, có xu hướng giải tỏa cảm xúc tiêu cực mãnh liệt của cá nhân (stress, lo âu, bất hạnh, mệt mỏi) bằng vũ lực. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, bố mẹ bạo hành thường đến từ những gia đình có truyền thống bạo hành. Những hành vi đánh đập, bạo hành của họ là sự lặp lại những gì họ đã trải qua. Nạn nhân của bạo hành lúc nhỏ, lớn lên thường dùng bạo lực làm công cụ giải quyết vấn đề và cảm xúc - đặc biệt là cảm xúc tức giận.
Công bằng mà nói mục đích của bố mẹ bạo hành thân thể con cái không phải nhằm gây ra sự tử vong cho đứa trẻ. Một trăm phần trăm là do sự “lỡ tay” trong cơn “say máu”. Nhưng đó không được nhìn nhận là yếu tố để được sự thông cảm, khoan hồng của dư luận.
Được xem là “Toxic parents” cũng phải kể luôn những ông bố bà mẹ đứng ngoài cuộc bạo hành nhưng làm ngơ hoặc không bảo vệ con mình khi bị người kia hành hạ. Thay vì bảo vệ con, nhiều bố/mẹ sợ hãi, bất lực và thụ động trước người kia, chấp nhận bỏ rơi đứa con của mình. Tiến sĩ Susan Forward gọi đây là một kiểu phụ huynh thụ động (the passive parent).
Để không còn “Toxic Parents” - Những bố mẹ “độc hại”, để ngăn chặn triệt để nạn bạo hành trẻ em từ gia đình, có lẽ chúng ta cần cũng cố lại nền tảng, các giềng mối gia đình đã bị lỏng lẻo. Phát huy thế mạnh của truyền thông trong việc tố giác và lên án hành vi bạo hành con cái của bố mẹ. Cuối cùng là sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp.