Hướng tới một mối quan hệ mẹ kế con chồng nhân ái văn minh hơn
(DNTO) - “Sự ác độc của mẹ ghẻ” được “tô đậm” trong vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong đã làm chạnh lòng, thậm chí tổn thương rất nhiều “người trong cuộc” - những người đang làm “mẹ ghẻ”. Trong thực tế, rất nhiều mối quan hệ mẹ kế con chồng đi ngược lại với định kiến khắc nghiệt ấy.
Câu chuyện bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành tử vong ở quận Bình Thạnh xảy ra đã hơn một tuần lễ nhưng sự phẩn nộ của dư luận không hề giảm nhiệt mà ngược lại ngày càng sục sôi hơn bởi càng ngày các chi tiết, chứng cứ của câu chuyện càng được lộ ra, qua đó khẳng định tội ác của thủ phạm và tòng phạm là hết sức dã man.
Nhiều cư dân mạng thậm chí nguyền rủa, đòi mạng đền mạng… Điều đó không có gì là khó hiểu. Tuy nhiên, trong khi đưa thông tin câu chuyện, hầu hết mọi người đều dùng danh xưng “mẹ ghẻ” để gọi bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang, mặc dù phải cẩn thận để nó trong ngoặc kép.
Chữ mẹ ghẻ được bỏ vô ngoặc kép trong ngữ cảnh này đánh dấu một từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt, là vì cho đến thời điểm “sát hại” bé V.A, bị can Quỳnh Trang vẫn chưa phải là vợ “danh chánh ngôn thuận” của bố V.A. Mặc dù vậy, người ta vẫn thích dùng danh xưng mẹ ghẻ để gọi Quỳnh Trang như một điểm nhấn khẳng định vai trò của mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng như một tác nhân trong hành vi tội ác của bị can.
Cũng giống như mối quan hệ khác máu tanh lòng của mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng thường được khắc họa bằng hình ảnh những bà mẹ cay nghiệt, độc ác. Tất nhiên, nó xuất phát từ những đúc kết thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, “sự ác độc của mẹ ghẻ” được tô đậm trong vụ án bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành tử vong này trong thời gian qua đã làm chạnh lòng, thậm chí tổn thương rất nhiều “người trong cuộc” - là những người đang làm “mẹ ghẻ”.
Trong thực tế, rất nhiều mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng đi ngược lại với cái quy luật: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Nhiều trường hợp người mẹ ghẻ còn đáng ngưỡng mộ, tôn vinh bởi tấm lòng nhân hậu thương yêu, thậm chí cả hy sinh đối với con chồng.
Trong giới doanh nhân, ai cũng biết, bà Lê Hồng Thủy Tiên từng được khán giả biết đến với vai trò là nữ diễn viên vang bóng một thời của thập niên 90, nay là một nữ doanh nhân thành đạt, là CEO của Tập đoàn IPPG, tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Khi về làm vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà phải đảm trách luôn vai trò “mẹ ghẻ” của hai anh em Louis Nguyễn - chồng diễn viên Tăng Thanh Hà - và Phillip Nguyễn. Mối quan hệ của bà với các con chồng duy trì tốt đẹp suốt ngần ấy năm cho đến lúc các con đều trưởng thành, tài giỏi và có hôn nhân êm ấm.
Tương tự, Hoa hậu Việt Nam năm 1992 Hà Kiều Anh hiện là CEO JK IMPERIAL - một trung tâm thẩm mỹ chuẩn quốc tế tại TP.HCM cũng là một bà “mẹ ghẻ”. Qua bao nhiêu năm, Hà Kiều Anh chưa bao giờ bị điều tiếng gì về cách đối xử với con riêng của chồng - doanh nhân Hà Trung Nam.
Trong giới showbiz Việt, cũng không hiếm những bà “mẹ ghẻ” điểm 10 khi luôn bảo vệ, yêu thương con riêng của chồng như Vũ Thu Phương và con riêng của doanh nhân Thanh Hải, Diva Mỹ Linh, ca sĩ Hải Băng, Đàm Thu Trang…
Đặc biệt thu hút được sự quan tâm của công chúng từ lâu là trường hợp của huyền thoại Út Bạch Lan. Bà đã vất vả nuôi 4 người con… rơi của chồng – kép cải lương Thành Được – từ nhỏ cho đến lúc các con trưởng thành khi hai người đã chia tay nhau. Trong đó có 3 người con ghi khai sinh tên mẹ là bà.
Không có con chung với người bạn đời, nữ danh ca Giao Linh làm “mẹ ghẻ” của 6 người con riêng của chồng, bà cho biết, bà đã nhận được tình yêu thương trọn vẹn của những đứa con không máu mủ ruột rà. Các con gắn bó với bà còn hơn với bố. Đó là kết quả của của sự cho đi, bằng tình yêu thương chân thành con chồng như con đẻ của bà.
Cho nên, định kiến về “mẹ ghẻ” là một người tâm địa độc ác, khắc nghiệt cần được nhìn nhận lại một cách công bằng hơn và cũng để hướng tới một mối quan hệ mẹ kế con chồng văn minh hơn trong xã hội.
Trở lại với câu chuyện bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong. Một vụ án liên quan đến nhiều góc nhìn xã hội: Về trách nhiệm đối với hôn nhân, với con cái; về quan hệ mẹ ghẻ con chồng, bố dượng với con riêng của vợ; về sự thờ ơ trước các dấu hiệu bạo lực trẻ em đặc biệt xảy ra bởi người thân của các cháu… Mong muốn hiện nay của dư luận là pháp luật hãy xử đúng người đúng tội với một bản án có giá trị răn đe hữu hiệu nhất. Đồng thời kêu gọi xã hội đồng loạt mạnh mẽ lên tiếng để ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em trong tương lai.