Thực trạng ly hôn và những phận đời mang tên con riêng, bố dượng, mẹ kế
(DNTO) - 'Phát sinh' từ những cuộc hôn nhân tan vỡ là những thân phận mang tên: Con riêng, bố dượng, mẹ kế… Họ thường bị những định kiến từ lâu đời và các mối quan hệ phức tạp đẩy vào những hoàn cảnh hết sức éo le
Hệ lụy từ thực trạng “ly hôn xanh”
Sự sụp đổ của chế độ phong kiến, thành quả của công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới đã làm thay đổi quan điểm của con người về hôn nhân gia đình và cách nhìn nhận vai trò vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Người phụ nữ nói theo một tuồng hát nổi tiếng, là đã được “lên nhà trên”. Họ bước chân ra ngoài xã hội đảm đượng nhiều vai trò trọng trách ở chính trường lẫn thương trường. Bằng chứng là từ bấy đến nay, lãnh đạo đất nước là nữ giới có nhiều, lực lượng nữ doanh nhân thành đạt cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, thậm chí có chị đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng tỷ phú trong nước.
Không ai có thể phủ nhận đó là một bước tiến nhảy vọt trong công cuộc giải phóng cho những cuộc hôn nhân áp đặt và góp phần nới lỏng sợ dây trói buộc thân phận người phụ nữ. Nhưng một mặt nào đó, hệ lụy mà nó mang lại không phải là nhỏ. Đó là tỷ lệ ly hôn mỗi ngày một tăng “không phanh”. Tuổi hôn nhân lẫn tuổi đời của các câp đôi ngày càng trẻ hóa. Khái niệm “ly hôn xanh” ra đời. Điều này nói lên thực trạng các đứa trẻ có bố mẹ ly hôn cũng ngày càng ít tuổi hơn.
Nói như thế không có nghĩa là “đổ thừa” bình đẳng giới dẫn đến tình trạng ly hôn xanh, nhưng cũng không thể phủ nhận đó là mặt trái của vấn đề. Trước đây không phải không có bạo hành gia đình, không có ngoại tình, không có nghèo khó, không có cảnh đồng sàng dị mộng (nhiều nữa là đằng khác). Nhưng tình trạng ly hôn rất ít xảy ra do các mối ràng buộc của đạo lý đương thời, do các quan niệm hôn nhân theo kiểu “thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu”, hay “thuyền theo lái gái theo chồng”, thậm chí “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”… Người đàn bà bỏ chồng không những bị gia đình từ bỏ mà còn bị xã hội chê cười, lên án. Vậy nên, họ cam phận, cắn răn mà chịu có khi đến hết đời.
Một cụ bà khi được hỏi, vì sao ngày xưa ông chơi bời, vợ lớn vợ bé, đánh đập bà như thế mà bà vẫn ở với ông. Bà trả lời, vì không đành bỏ con mà mang chúng theo thì lấy gì mà nuôi con. Rõ ràng, khi người phụ nữ được giải phóng họ có nhiều điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để định đoạt số phận của mình, cho nên điều này góp phần gia tăng tỷ lệ ly hôn thậm chí ly hôn xanh. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Con riêng: nạn nhân đáng thương nhất
Bản thân từ “con riêng” đủ để gợi lên trong lòng chúng ta sự trắc ẩn. Đó là những đứa trẻ chỉ “thuộc về” một phía, chúng không được xem là “của chung” trong mối quan hệ gia đình.
Ba tuổi, bố mẹ ly hôn, Cát ở với bố. Một đứa trẻ ba tuổi đã bị bứt ra khỏi vòng tay mẹ. Nó phải vượt qua những ngày tháng đó như thế nào chỉ có Cát mới biết.
Ban ngày đi làm đã mệt, tối đến phải giải quyết bao nhiêu thứ nhu cầu của một đứa bé lên ba, ông bố trẻ căng thẳng, đôi khi không kiểm soát được sự nóng giận. Thế là Cát bị ăn đòn. Cát ngày càng ít nói, lủi thủi chơi một mình, không muốn tiếp xúc với ai.
Rồi bố Cát cưới vợ mới. Mẹ kế có con riêng bằng tuổi Cát, em ấy chỉ quen uống sữa hộp giấy trong khi Cát vẫn còn bú sữa bình. Thế là mẹ kế thấy “không công bằng”. Cát bị cắt sữa.
Sự “không công bằng” còn được mẹ kế của Cát chỉ ra: Trước đây, Cát được ba cho học trường Quốc tế, còn con riêng của mẹ kế học trường thường. Lần này bố Cát không chiều được vì chương trình học hai bên cách biệt quá sợ Cát không thích nghi được. Thế là “chiến tranh nổ ra”. Cát trở thành cái gai trong mắt mẹ kế.
Cảm giác bất an khiến Cát lúc nào cũng như con nhím xù gai, “bất hợp tác” với mẹ kế và cả với bố. Không biết rồi khi mẹ kế có em bé thì Cát phải đồi đầu với việc con anh - con em - con chúng ta như thế nào.
Nhưng xem ra Cát vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn gái được giao cho mẹ nuôi sau khi bố mẹ chia tay. Chuyện các bé gái bị chồng sau của mẹ hãm hiếp hoặc sàm sỡ thời gian gần đây không còn là chuyện hiếm…
Bố dượng, mẹ kế: những phận đời chịu nhiều thị phi
Bố dượng, mẹ kế còn được gọi là bố, mẹ ghẻ. Ghẻ trong từ “ghẻ lạnh”. Nội cái tên gọi cũng khiến cho nhân vật trở nên rất thiếu thiện cảm trong mắt mọi người.
Là gái lỡ thì, Linh yêu và lấy một người đàn ông góa vợ. Linh không muốn sinh con vì đã lớn tuổi. Chị luôn tâm niệm xem con trai riêng sáu tuổi của chồng như con mình. Nhưng định kiến “mấy đời bánh đúc có xương” ăn sâu vào cách nghĩ của mọi người là rào cản không dễ phá bỏ khiến chị bất lực.
Định kiến ấy oái oăm thay lại xảy ra từ phía gia đình vợ cũ của chồng chị. Thay vì động viên, nuôi dưỡng trong lòng thằng bé sự kính trọng thương yêu chị, thì họ suốt ngày xoi mói: “Vợ mới của ba có làm gì con không? có ăn hiếp con không? Bả mà làm gì con thì biết tay mẹ (ngoại/ dì…). Vậy cũng chưa đau đớn bằng việc chính chồng chị cũng suốt ngày tỏ ra “canh chừng” sợ chị “ám hại” thằng bé. Chị vô cùng mệt mỏi và muốn buông xuôi.
Còn Phong, ly dị vợ cũ vì anh không có khả năng sinh con nên khi đi bước nữa với một người phụ nữ đang có con riêng, anh rất vui. Anh thực lòng lo lắng, chăm bẵm, chiều chuộng con bé. Vợ anh, thay vì cảm thấy hạnh phúc thì lại tỏ ra… cảnh giác, lúc nào cũng bóng gió xa xôi. Thi thoảng ở đâu có tin bố dượng hãm hiếp, sàm sỡ con riêng của vợ thì cô ấy đùng đùng chửi xiên chửi xéo. Lúc nào Phong cũng mặc cảm mình bị vợ đề phòng, canh giữ, cảm giác bị tổn thương, thấy cuộc sống ngột ngạt, bí bách.
Do quan điểm về con riêng, bố dượng, mẹ kế ngày càng cởi mở, rộng lượng hơn; con người ứng xử với nhau ngày càng văn minh hơn, những định kiến đã ăn sâu vào nếp nghĩ của con người về mối quan hệ đặc biệt này đã có nhiều cải thiện, mặc dù chưa nhiều nhưng cũng đã có những gia đình "rổ rá cạp lại" kiến tạo được cho mình một gia đình hòa thuận, hạnh phúc trong bối cảnh “con ông, còn bà, con chúng ta”.
Tuy nhiên, có lẽ phải cần một thời gian rất dài nữa với nhiều cố gắng của người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc để những danh xưng bố dượng, mẹ kế, con riêng không làm cho người ta e ngại và trắc ẩn.