Từ một chương trình gameshow nghĩ về tiêu chí chọn chồng của các cô gái thời nay
(DNTO) - Những ai đã từng xem qua chương trình gameshow 'Bạn muốn hẹn hò', sẽ không khó nhận ra hầu hết nhân vật nữ đi “tìm chồng” ở đây cùng có chung tiêu chí là tìm mấy anh biết và chịu làm việc nhà, còn bản thân các em thì không phải làm dâu và được giữ tiền.
Một hình ảnh quen thuộc mà người xem thường bắt gặp trong chương trình là hình ảnh các chị em mình nét mặt rạng ngời, hân hoan, kiêu hãnh, khoe rằng: “Em không biết nấu ăn đâu anh ơi!” hoặc ân cần hỏi thăm: “Anh có biết làm việc nhà hay không?”. Rất nhiều chàng trai vui mừng tự hào mà rằng: “Em yên tâm, nấu ăn, việc nhà anh làm được hết…”. Sau đó, thông thường là cô MC xinh đẹp sẽ gợi ý tiếp bằng câu chất vấn “đàng trai”: “Cưới về, tiền ai giữ?”. Và cuối cùng là: “Có làm dâu hay không?”.
Tóm lại, qua chương trình này, tiêu chí chọn chồng của chị em nổi rõ lên một mẫu số chung xoay quanh: việc nhà, giữ tiền, làm dâu. Có nghĩa, họ đi tìm một người chồng phải giỏi kiếm tiền về đưa tất cho vợ, phải chia sẻ việc nhà, và không bắt con dâu… “làm dâu”.
Việc nhà
Từ khi người phụ nữ “được lên nhà trên”, nói chữ là “nam nữ bình đẳng”; từ khi người phụ nữ bước ra ngoài tham gia công việc xã hội, đi kiếm tiền… thì vai trò của họ được xem như ngang hàng với người đàn ông. Do vậy không lý gì việc nhà một mình phụ nữ làm tất. Dĩ nhiên, cái lý nằm ở chỗ đó nhưng chạm vào thực tế lại không hẳn như vậy.
Khải và Hân bị “bác sĩ biểu cưới” khi Hân mới vừa tốt nghiệp cấp ba. Chỉ bốn tháng sau, Hân sinh em bé. Khải nghĩ, đã lỡ thì thôi, để Hân ở nhà chăm con hẳn ba năm luôn cho cả hai mẹ con “lớn” thêm một chút rồi hãy xin việc cho Hân làm.
Mấy tháng đầu, buổi trưa, Khải tất tả từ cơ quan mang cơm căng tin về hai vợ chồng cùng ăn, sau đó anh quần quật thu dọn, giặt giũ, chuẩn bị nước nôi, tã sữa là đến giờ làm việc buổi chiều. Chiều tan sở về nhà, chưa kịp thay bộ đồ ra, lại lau nhà, cơm nước, giặt giũ…
Hâm ở nhà chỉ việc chăm con. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn thức, thế là thừa thải thời gian, nàng dạo mạng. Rõ khổ, toàn vào những trang ngôn tình lồng lộng, thấy bảo phụ nữ sinh ra là để yêu thương, là để hạnh phúc; đàn ông tốt không bao giờ làm cho người phụ nữ của mình khóc… đại loại như vậy. Thế là, mặc dù thời gian ở cữ đã qua sau đó một năm rồi hai năm, ba năm, Hân vẫn cứ dạo mạng, Khải vẫn cứ tất tả việc nhà.
Anh mệt mỏi, suy kiệt, không còn đủ sức đáp ứng công việc cơ quan, thường xuyên bị nhắc nhở, khiển trách. Thế là hai người bắt đầu lời qua tiếng lại, cân đo đong đếm. Kết quả, khi con gái vừa tròn ba tuổi, họ ly hôn.
Ngược lại, cậu em tôi hồi nhỏ lo cắm đầu học, lớn lên vừa ra trường là lao vào công việc kinh doanh, là giám đốc một công ty, công việc bận rộn đầu tắt mặt tối, thật tình mà nói là không còn thời gian đâu mà “đầu tư” vào việc nhà. Mấy năm con nhỏ, cô em dâu tôi lui về hậu phương ở nhà đảm đương tất cả mọi việc nội trợ, chăm sóc con cái cho chồng yên tâm kiếm tiền. Chừng bọn trẻ đi học, cô em dâu tôi đi làm, việc nhà nhờ người giúp việc. Cậu em tôi không phải động tay vào tí việc nhà nào. Vậy mà, qua hơn hai mươi năm chung sống, các em tôi vẫn rất hạnh phúc, sự nghiệp phát triển, cuộc sống sung túc, con cái thành đạt…
Cho nên nới nói, vấn đề còn phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, vào tình hình thực tế của từng gia đình, không thể cứ máy móc mà rằng đàn ông nhất thiết phải làm việc nhà thì đó mới là người chồng lý tưởng.
Giữ tiền
Cũng trong chương trình, hầu hết mấy anh “thèm vợ” được hỏi: “Cưới xong tiền ai giữ?”, thường hùng hồn trả lời không cần suy nghĩ: “Vợ giữ”. Ông bà mình nói: “Đàn ông như cái đó, đàn bà như cái hom”, cá vào đó mà không có hom giữ lại thì nó cũng chui hết ra ngoài. Câu nói này đố ai dám cãi. Nhưng chuyện đàn bà nắm tiền rồi phá tan gia sản khiến cả gia đình điêu đứng trong thực tế cũng không phải không có.
Đó là trường hợp các chị vợ ham mê số đề, cờ bạc, bị bệnh nghiện thẩm mỹ, nghiện shoping, nghiện đồ khuyến mãi, nghiện mua hàng online - kiểu “mua trâu vẽ bóng” mang về xếp xó không dùng tới.
Đến các chị nhẹ dạ cả tin, tham gia bán hàng đa cấp, chơi hụi, vay góp bạc ngày, bạc tháng. Nhẹ nhất là gặp phải các chị “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, không biết tính toán chỉ chăm chăm ăn sang mặc đẹp, chạy theo thời thượng cho ra hàng quý tộc… Tiền bạc giao hết vào tay các chị này há có phải gió vào nhà trống?
Làm dâu
Câu chuyện làm dâu cũ xưa như trái đất nhưng chưa bao giờ hứa hẹn hồi kết. Nào là “khác máu tanh lòng”, nào là “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng”.
Ngày nay các cô gái khi lấy chồng thường “giao kèo” không làm dâu. Ấy là các cô muốn có một “bầu trời riêng”, không chung đụng với ai, không phải ý tứ trong sinh hoạt, muốn ăn giờ nào thì ăn, muốn ngủ giờ nào thì ngủ, không phải “hầu hạ” ai. Cái này cũng phải, bởi ở đời ai mà không thích độc lập tự do.
Nhưng để ý mà xem, bắt đầu khi các thím “ngực thấp bụng cao” thì các thím liền ca bài “bầu trời chung” ấm áp. Hậu quả là chuyện các bà mẹ chồng bỏ ruộng vườn, nhà cửa, công việc, bỏ cả… chồng, từ ngoài Trung ngoài Bắc ngược vào hoặc từ miền Tây lóp ngóp xuôi lên giữ cháu nội ròng rã tháng năm đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Vậy thử hỏi các chị em có công bằng không?
Thực tế cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ như thế. Nhưng nếu có anh nào “thẳng ruột ngựa” mà phát biểu rằng: “Anh không biết làm việc nhà”, hoặc “Để xem ai giữ tiền tốt hơn thì người ấy giữ” hay “Vì anh là con một, cha mẹ lại già yếu nên mình không thể dọn ra riêng” thì ngay lập tức kết quả sau đó là âm thanh è è cùng với nửa trái tim xanh lét phía nhân vật nữ hiện ra ngay.