Ca ngợi sự hy sinh của người phụ nữ: Tôn vinh hay trói buộc?

(DNTO) - Đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam từ lâu được ca ngợi là một phẩm chất cao quý. Trong xu thế mới gần đây, nhiều người đã nhìn nhận về việc này với một cái nhìn có khác: Ca ngợi sự hy sinh của người phụ nữ là tôn vinh hay trói buộc?
Dựa vào đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử và quan điểm của từng thời đại, quy ước về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam sẽ được du di cho phù hợp. Tuy nhiên xuyên suốt không hề thay đổi, bền bỉ và nổi trội hơn hết là đức tính hy sinh.
Mỗi khi đất nước lâm nguy, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, từ xa xưa bà Trưng đã vì sự an nguy của Tổ Quốc mà hy sinh tế sống chồng mình là tướng quân Thi Sách trước khi gióng trống khởi binh phá tan sào huyệt của Tô Định.
Thái hậu Dương Vân Nga trước tình hình quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt, bà đã hy sinh cả triều đại nhà Đinh mạnh dạn trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn để cứu nguy cho vận mệnh dân tộc.

Đến khi có gia đình riêng, phụ nữ lại tiếp tục hy sinh cho chồng, cho con có khi cho cả giang san nhà chồng. (Ảnh: Internet)
Thời đại phong kiến người phụ nữ bị trói buộc vào “tam tòng tứ đức”, vào “tiết hạnh khả phong” vào cái hủ tục “trai năm thê bảy thiếp”. Họ bị ru ngủ trong cái vỏ bọc dát vàng êm ái của mình, không dám bước ra và coi đó là sự hy sinh, một phẩm chất cao cả của người phụ nữ.
Trong cuộc kháng chiến chín năm với Pháp và cuộc trường chinh chống Mỹ, sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam là vô bờ bến, không bút mực nào tả xiết. Trong đó phải kể đến sự hy sinh cho Tổ Quốc những đứa con mình rứt ruột đẻ ra của hàng vạn bà mẹ mà điển hình là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ với 9 người con trai ra chiến trường và vĩnh viễn không về.
Trở về cuộc sống đời thường, người phụ nữ trong gia đình thường được ca ngợi bởi sự hy sinh bản thân cho gia đình. Hình ảnh người chị phải bỏ học giữa chừng, tảo tần sớm hôm cùng cha mẹ lao động vất vả kiếm tiền nuôi một bầy em đông đúc. Thậm chí có chị hy sinh cả tuổi thanh xuân, ngoảnh lại đã qua thời son trẻ, đành chấp vá nhân duyên hay thui thủi trong cảnh cô đơn cho đến hết đời. Những “tấm gương” như thế không hiếm được tái hiện trong các sáng tác thơ văn, trên sân khấu, trong phim ảnh và trong các tác phẩm âm nhạc.
Đến khi có gia đình riêng, họ lại tiếp tục hy sinh cho chồng, cho con có khi cho cả giang san nhà chồng. Má tôi là một người như thế. Lớn lên nhìn thấy cách ba đối xử gia trưởng với mẹ, tôi rất bất bình. Tôi cũng muốn góp ý với ba để giúp mẹ có cuộc sống thảnh thơi thoải mái hơn lúc tuổi già. Nhưng khi hiểu thấu đáo, tôi thật sự ngạc nhiên khi mẹ tôi tỏ ra rất bằng lòng, rất vui vẻ, rất hạnh phúc và rất hãnh diện vì điều đó. Thì ra bà bị trói buộc vào những lời ca ngợi của họ hàng bên nội tôi, của bà con chòm xóm… Bà thấy thỏa mãn khi được làm một người vợ, người mẹ hy sinh tất cả cho chồng con. Bà coi như đó là thành tích của mình và không thấy cần được “giải phóng”, không cần đỏi hỏi “bình đẳng giới”. Có lần tôi chỉ ra cho má thấy những bất công mà má phải hứng chịu do tính gia trưởng của ba. Má tôi thái độ an nhiên, bình thản trả lời: “Má quen rồi”.
Xã hội phát triển cùng với cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, đòi quyền bình đẳng và tiến bộ cho phụ nữ được thể hiện qua phong trào nữ quyền thế giới đã mang lại cho phụ nữ trên khắp hành tinh một cuộc sống mới. Người phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với không gian bên ngoài căn nhà của mình. Họ bắt đầu thể hiện được khả năng trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Không ít người trở thành những chính trị gia, văn nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt… Người phụ nữ đang dần nâng cao vị thế và vai trò của mình ngang bằng với nam giới.
Tuy nhiên, khi về nhà, do đặc điểm giới tính, do thiên chức làm mẹ, do vai trò đảm nhiệm… họ lại vẫn phải tiếp tục hy sinh, lại vừa phải gánh vác việc xã hội (nói dễ hiểu là kiếm tiền) vừa đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Nhiều chị em không cáng đáng nổi bèn nhận về mình sự thua thiệt, lui về “hậu phương” cho các anh yên tâm xông pha trận mạc; Chịu hy sinh mơ ước và hoài bão của mình để làm sân sau cho sự thành công của chồng. Sự ca ngợi của người đời, thái độ hàm ơn của người đàn ông bên cạnh họ chính là câu hát ru ngọt ngào nhất ru ngủ người phụ nữ khiến họ tự thỏa mãn với sự hy sinh “cao cả” của mình.

Sự ca ngợi thái quá khiến người phụ nữ tự thỏa mãn với sự hy sinh “cao cả” của mình.
Không kể trong thực tế còn rất nhiều kiểu hy sinh thật vô lý: Một người chồng suốt ngày bê tha rượu chè hoặc cờ bạc hút chích; Một người đàn ông ưa dùng bạo lực, thường xuyên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân’ với vợ con… Nhưng rất nhiều người vợ vẫn nhân danh sống vì con mà hy sinh.
Không thể phủ nhận người phụ nữ Việt Nam từ trong lịch sử cho đến thời hiện đại đều mang trong người họ những phẩm chất đáng quý cần được trân trọng, tôn vinh và ca ngợi. Tuy nhiên, sự ca ngợi đức hy sinh giống như hai mặt của một vấn đề. Có một mặt nhìn thấy rất rõ là nó đem đến sự cam chịu, bất công, làm triệt tiêu ý chí đấu tranh, nó đối lập lại với phong trào nữ quyền thế giới - một trong những nội dung ý nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (mà chị em ta không thèm quan tâm chỉ chăm bẵm đòi quà)
Khi sự hy sinh được xem như một “nghĩa vụ”, một “đặc quyền” của phụ nữ cùng với những lời ngợi ca “có cánh” vẫn còn được tiếp diễn thì sự bất bình đẳng giới sẽ vẫn còn tồn tại.