Có những khoảng cách làm chia lìa lứa đôi
(DNTO) - Xẻo Lá là một doi đất nằm ngó mặt ra con sông quanh năm nước đục phù sa. Ở đó người dân đã bao đời đổ mồ hôi trên từng cây lúa. Trẻ con học hết lớp trường làng coi như giã từ con chữ.
Tùng cũng không ngoại lệ, cái nghèo cộng với suy nghĩ “lấy giạ đong lúa chứ không ai lấy giạ đong chữ” của người lớn khiến Tùng không được đi học tiếp, mặc dù thành tích học tập suốt 9 năm của cậu luôn đứng đầu bảng.
19 tuổi Tùng cưới vợ. Vợ Tùng là người cùng quê, ngang tuổi cậu. Đó là một cô gái đúng chuẩn người phụ nữ Nam bộ hiền lành, chịu thương chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ và đặc biệt là rất yêu chiều chồng. Mặc dù đến với nhau do mai mối nhưng hai năm sống bên Xuân, Tùng cũng thấy cảm mến và rất trân trọng vì những gì Xuân dành cho anh và gia đình anh.
Tuy nhiên, cuộc sống trôi qua ở một vùng quê với ruộng đồng, sông nước, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tay lấm chân bùn mà cũng chỉ kiếm được cái ăn qua ngày khiến Tùng nhàm chán. Tùng muốn thay đổi.
Những ngày bỡ ngỡ nơi thành phố xa hoa đông đúc rồi cũng trôi qua. Nghị lực, quyết tâm, khao khát đổi đời, cùng với sự hỗ trợ của gia đình và đặc biệt là công sức tảo tần của người vợ ở quê, Tùng nhanh chóng tiếp cận với cuộc sống của một đô thị sầm uất và năng động. Anh vừa làm vừa học và từng bước tìm kiếm cho mình cơ hội. Từ một anh cò nhà đất với nhiều bỡ ngỡ đến nhân viên rồi trưởng phòng của một công ty môi giới… Chẳng mấy năm, Tùng ngồi lên vị trí ông chủ của một công ty bất động sản.
Thấy vợ chồng mỗi người một nơi không tiện, mẹ Tùng đề nghị Xuân lên thành phố ở cùng Tùng. Có Xuân, căn nhà như có một sức sống mới, sạch sẽ gọn gàng tinh tươm. Những bữa cơm ngon lành vợ nấu mang đến cho Tùng một không khí đầm ấm, dễ chịu. Nhưng ngoài những thứ đó ra thì Xuân không thể chia sẻ với anh bất cứ điều gì về công việc, về cuộc sống. Tùng dẫn Xuân đi mua sắm, tìm mọi cách bày vẽ, tạo cơ hội cho Xuân hòa nhập với cuộc sống mới, trở thành một con người mới, phù hợp với vị trí của Tùng hiện tại. Thậm chí Tùng còn dắt Xuân đi dự sự kiện, giao lưu gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp… nhưng chỉ được vài lần thì Xuân từ chối vì “em theo chẳng để làm gì, chẳng biết nói gì, mấy chỗ đó không họp với em…”. Cái gì Xuân cũng nói không quen, không làm được. Suốt ngày Xuân than nhớ quê, than bức bối, buồn bã…
Tùng nhận ra giữa anh và Xuân ngày càng có một sự cách biệt lớn. Nhiều lúc anh cảm thấy cô đơn cùng cực trong chính ngôi nhà của mình. Hai người trở nên lạc điệu trong tâm hồn lẫn thể xác. Họ dần “không có gì để nói” với nhau.
Chuyện đến đã đến. Trong dịp tình cờ, anh say nắng một nữ đồng nghiệp. Hai người bắt đầu hẹn hò nhau. Cuộc tình ấy mang đến cho anh đồng thời với niềm vui và hạnh phúc là nỗi dằn vặt khổ sở. Anh quyết định trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với Xuân. Lạ thay, phản ứng của cô hoàn toàn làm anh bất ngờ. Xuân không ghen tuông, không cản trở Tùng có người mới nhưng lại không đồng ý ly hôn. Cô quyết định dọn về quê vẫn tiếp tục ở với gia đình chồng như từ xưa đến nay.
Sức ép rất lớn mà Tùng phải gánh chịu với họ hàng hai bên, với dư luận xã hội, với bạn bè là mang tiếng “giàu đổi bạn sang đổi vợ”. Thật ra bất kỳ trong trường hợp nào, hành động phụ bạc, ruồng bỏ người bạn đời của mình chỉ vì “giàu đổi bạn sang đổi vợ” cũng đáng chê trách. Tuy nhiên, hoàn cảnh sống trong mỗi đời người luôn luôn thay đổi. Sự giàu nghèo buộc con người ta phải thích ứng với hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên. Khi hoàn cảnh sống được hoặc bị thay đổi mà một trong hai người không thích ứng được, sẽ tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa hai vợ chồng. Khi đó, mỗi người có khuynh hướng tìm cho mình một nửa khác phù hợp hơn, đó là thực tế. Và thực tế này không phải hiếm.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt thì sự chênh lệch, nhất là chênh lện về trình độ, giữa vợ chồng sẽ dẫn đến những khác biệt về nhận thức, hành vi ứng xử, giao tiếp, quan niệm, kỹ năng sống. Nó là nguyên nhân hàng đầu làm đổ vỡ mối quan hệ vợ chồng…