Xuất khẩu 45 tỷ USD sang các nước CPTPP nhưng nhiều hàng Việt 'có mặt mà chưa có tên'
(DNTO) - Sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt đã khai thác hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP, nhưng để cạnh tranh các Thái Lan, Trung Quốc thì cần sự nỗ lực hơn nữa để gây dựng thương hiệu.
Luồng hàng hóa tăng mạnh khi có Hiệp định
Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 26/12, đã công bố nhiều số liệu tích cực.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, ngay trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, đối với hai thị trường lần đầu chúng ta có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico, cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 30%.
Sang năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của ta từ các thị trường này đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.
10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% và 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
“Bên cạnh những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu, CPTPP cũng là một hiệp định lần đầu tiên đưa Việt Nam đến vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi Hiệp định là bước đệm để chúng ta thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác. Chẳng hạn EU khi đàm phán và đưa vào thực thi những FTA thì tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là ba nước ở khu vực phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Đặt tên cho hàng Việt ở thị trường ngoại
Điện tử hiện là ngành dẫn dầu khối nghiệp chế biến chế tạo, đang tận dụng khá tốt CPTPP với trị giá xuất khẩu gần 87 tỉ USD, xuất siêu 12,5 tỉ USD. Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu của ngành điện tử vẫn chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, nhưng theo bà Đỗ Thị Thúy Hương , Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện Việt Nam, Hiệp định đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt.
“Dù không trực tiếp xuất khẩu nhưng để có kết quả trên có sự tham gia đông đảo của rất nhiều các doanh nghiệp phụ trợ, linh kiện nội địa. Tuy không có thương hiệu nhưng việc tham gia chuỗi cung ứng và tận dụng lợi thế xuất khẩu trong CPTPP đã giúp doanh nghiệp điều chỉnh năng lực sản xuất, năng lực thiết bị, chuỗi cung ứng, kỹ năng quản trị và thị trường một cách bài bản và chuyên nghệp hơn”, bà Hương nhấn mạnh.
Cho biết CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận thách thức mà doanh nghiệp phải đương đầu cũng không nhỏ. Việc lệch múi giờ nên khó khăn trong làm việc và giao tiếp, khoảng cách địa lý xa xôi giữa hai thị trường dẫn đến chi phí vận tải tăng lên rất nhiều lần. Thị trường châu Mỹ, đặc biệt Canada và Mexico đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, trong khi đó, hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu còn hạn chế.
“Nhiều sản phẩm của Việt Nam không có thương hiệu và giá trị giá tăng, nên ít được quan tâm. Thay vì nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam, các thị trường CPTPP sẽ nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác khu vực ASEAN…”, ông Hoàn cho hay.
Vị này cho rằng ngoài tăng chất lượng sản phẩm, cần tăng cường xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường, đồng thời tổ chức các chiến dịch quảng cáo, marketing…cho hàng Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống thương vụ, hệ thống phân phối người Việt tại nước ngoài là những hạ tầng thương mại hữu ích để đưa hàng hóa vào các nước CPTPP.
Dù Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP, tuy nhiên theo ông Lương Hoàng Thái, những lợi thế ban đầu sẽ không còn. Do vậy thời gian tới, việc tập trung giải quyết những khó khăn nêu trên sẽ được Bộ Công Thương và các bộ ngành địa phương chú trọng.
“Mục tiêu là đưa CPTPP trở thành động lực cho tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế”, ông Thái nhấn mạnh.