Xuất khẩu sang Mỹ tăng một cách đáng kinh ngạc nhưng liên tiếp dính ‘đòn’ phòng vệ thương mại
(DNTO) - Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD/năm, nhưng cũng là thị trường có tần suất điều tra phòng vệ thương mại với doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhất.
Mỹ chiếm 1/4 số vụ điều tra phòng vệ thương mại
Trong năm đại dịch 2021, kim ngạch song phương giữa Việt Nam – Mỹ vẫn tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020. Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD/năm.
Ngay trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã đạt 101,22 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 29,58% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ Thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm gần đây, đặc biệt sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc từ tháng 7/2018, Mỹ áp dụng mức thuế 25% cho tất cả 818 mặt hàng của Trung Quốc đã tạo một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong năm ngoái, theo bà Hương, đã tăng một cách “đáng kinh ngạc”, nhưng song song với đó, biện pháp chống lẩn tránh mà thị trường này áp dụng cho hàng Việt cũng gia tăng.
“Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng tình hình lạm phát gia tăng, để kiểm soát lạm phát, Hoa Kỳ hạn chế nhập khẩu hàng hóa thông qua công cụ phòng vệ thương mại”, bà Hương cho biết trong tọa đàm về biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, ngày 22/12.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho biết, ngoài biện pháp chống bán phá giá, gần đây, Mỹ tăng cường sử dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Đây cũng là một trong những quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã khởi xướng điều tra 51 vụ việc, chiếm 1/4 số vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài với với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có 22 vụ việc điều tra chống lẩn tránh. Thậm chí đến năm 2021, Mỹ còn sửa đổi một số quy định về điều tra chống lẩn tránh để các điều kiện chặt chẽ hơn, tạo cho Bộ Thương mại nước này có quyền hạn phù hợp cho các hoạt động điều tra.
“Bộ Thương mại Mỹ không chỉ điều tra hành vi gian lận xuất xứ mà còn điều tra để xem hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra ở Việt Nam có lớn hay không. Có thể hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đôi khi vẫn đáp ứng quy tắc xuất xứ, nhưng theo quy định của nước này thì chưa có hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể”, ông Trung nhấn mạnh.
Dựng những ‘tấm khiên’ bảo vệ doanh nghiệp
Là ngành có tần suất “va vấp” với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất, với 68 vụ từ 2004 đến nay, ngành thép Việt đang đối diện với nhiều khó khăn. Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ quan là chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhân công của Việt Nam còn thấp, nên giá rẻ hơn sản phẩm được sản xuất ở các thị trường như Mỹ. Đây là lợi thế của doanh nghiệp khi xuất khẩu nhưng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam phải đối diện với điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng cho biết, với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và nhân lực, việc tiếp cận các vụ việc trên rất bài bản. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc này hạn chế do phải tuân thủ quy trình, thủ tục chặt chẽ của Hoa Kỳ, với yêu cầu công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có nhiều cách yêu cầu cung cấp bản câu hỏi – trả lời.
“Khi doanh nghiệp vướng vụ việc này, việc cung cấp thông tin đôi khi không đúng, thiếu tài liệu kiểm chứng, không phù hợp với giai đoạn điều tra, quá hạn trả lời theo yêu cầu của Mỹ. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa ý thức được hết quy định điều tra cũng như chưa có kỹ năng ứng phó”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Chu Thắng Trung, nếu một mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh và chiếm thị phần tương đối tại thị trường Mỹ, hay mặt hàng có “lịch sử” điều tra một nước thứ ba, cũng có nguy cơ tiếp tục bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh thép, một số mặt hàng như đồ gỗ, hay gần đây là pin năng lượng mặt trời, Mỹ đã và đang điều tra. Một số sản phẩm khác như gạch men xuất khẩu sang thị trường này bắt đầu có sự tăng trưởng, mặc dù con số chưa lớn, nhưng đây là sản phẩm bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba.
Vì vậy, theo vị Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, với các vụ việc điều tra từ phía Mỹ, doanh nghiệp đóng vai trò “hạt nhân” vì họ là đối tượng điều tra, cung cấp thông tin, trả lời câu hỏi, giải trình với cơ quan điều tra. Còn những cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cũng chỉ hỗ trợ và cung cấp thông tin bổ sung.
“Công tác chuẩn bị quan trọng nhất chính là hệ thống quản trị của doanh nghiệp. Mỗi cuộc điều tra như vậy, họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp trích xuất thông tin để điều tra tình hình sử dụng nguyên liệu, khấu kiện… của mỗi lô hàng xuất khẩu sang Mỹ, phần nào nhập khẩu từ nước thứ ba, phần nào mua nguyên liệu trong nước… Lúc này, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị để truy xuất thông tin không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn có thể truy xuất lại trong 2-3 năm hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo ở bất kì thời điểm nào cũng có thể truy xuất dữ liệu để chứng minh việc hàng hóa không có hành vi lẩn tránh như cáo buộc”, ông Trung khuyến nghị.