Tận dụng 'thiên thời, địa lợi', có khiến giá gạo xuất khẩu tái lập mức đỉnh lịch sử?
(DNTO) - Động thái áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga "quay lưng", rẽ sang đặt hàng mua gạo trắng của Việt Nam khi giá gạo thế giới tăng lên. Đây là cơ hội chưa từng có để đưa mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt lên dẫn đầu thế giới.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% thương mại gạo toàn cầu, do đó, bất kỳ sự sụt giảm nào về khối lượng xuất khẩu cũng sẽ gây áp lực lên giá gạo.
Theo đó, mới đây, thông tin Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế xuất khẩu gạo trắng có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022, đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng thêm 15-25 USD/tấn tùy loại.
Khảo sát tại các sàn giao dịch lớn cho thấy, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở đà tăng mạnh. Ngày 15/9, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 400 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước cũng ghi nhận giá các mặt hàng gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.250 - 8.300 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.850 - 8.900 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg. Giá tấm ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg, giá cám khô 7.750 - 7.850 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. .
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng thông tin, giá gạo xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tốt, thêm khoảng 30 USD/tấn trong thời gian ngắn.
“Sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu với một số loại gạo khác, giá gạo thị trường Việt Nam liên tục tăng tốc. Với giá gạo lên, nông dân nếu đang thu hoạch cũng có giá bán tốt hơn”, ông Đôn chia sẻ.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, từ một tuần nay, nhiều thương nhân Trung Quốc hỏi mua gạo tấm của công ty. Mặc dù chuyên cung cấp gạo trắng thơm nhưng theo đại diện doanh nghiệp đây cũng là tín hiệu tích cực mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đón nhận.
"Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn", ông An thông tin.
Và nếu như viễn cảnh Ấn Độ kéo dài việc thực hiện áp thuế này thì giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên cùng với sự định hình lại về mặt bằng giá mới. Không những thế, với tình hình hiện nay, nhiều ý kiến lạc quan khi cho rằng giá xuất khẩu có thể đạt được mức đỉnh của năm 2021.
Nhiều cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhất là trong bối cảnh nguồn cung gạo toàn cầu còn đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn theo như ghi nhận tại báo cáo mới nhất của Chứng khoán VNDirect.
Cụ thể, thời tiết khắc nghiệt gần đây tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, có khả năng làm giảm năng suất và sản lượng trong năm nay.
Riêng Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, khiến sản lượng gạo của quốc gia này có thể bị giảm và dự kiến sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục là khoảng 6 triệu tấn vào niên vụ 2022/2023. Chưa kể, lệnh cấm xuất khẩu lương thực bao gồm lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia cũng hác nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ.
Vì vậy, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo. Phía Chính phủ Thái Lan cũng đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, bao gồm chiến lược bắt tay với các nước xuất khẩu gạo lớn (bao gồm Việt Nam) để nâng giá bán.
Bày tỏ sự lạc quan về thị trường lúa, gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, giá lúa trong nước đang tăng là điều đáng mừng cho người nông dân, bởi vụ Hè thu, giá lúa thấp, bà con bị lỗ nên rất cần giá lúa lên.Trước diễn biến thị trường thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu của năm nay có thể tăng thêm đến 200.000 tấn so với kế hoạch, đạt mức từ 6,3 - 6,5 triệu tấn.
“Hiện nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga và một số nước châu Á đã bắt đầu hỏi dò giá gạo trắng, tăng lượng đặt hàng với phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vì lo ngại giá gạo có thể tăng thêm trong thời gian tới”, ông Tiến thông tin.
Khi giá lúa tốt hơn sẽ tạo động lực để người nông dân đầu tư cho vụ Đông Xuân 2022 -2023 sắp tới cũng là vụ lúa chính trong năm. Giá lúa gạo tăng cũng giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2022 sản lượng 6,3 tấn, trị giá 3,3 tỉ USD.
"Dự báo đến tháng 10, khi các nước đã thu hoạch xong vụ lúa, chính phủ nhiều nước sẽ nhập khẩu gạo trở lại, khi đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường mạnh sẽ giúp giá lúa gạo tăng lên", ông Tiến cho hay.