Nghịch lý sản lượng xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp vẫn đồng loạt... báo lỗ
(DNTO) - Dù chiếm thế thượng phong về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu, song nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực xuất khẩu gạo vẫn ngậm ngùi báo lỗ do gánh nặng chi phí và giá bán giảm. Bức tranh lợi nhuận được kỳ vọng sáng sủa hơn khi các doanh nghiệp khai thác triệt để lợi thế về giá cũng như nhu cầu thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, gạo là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh, 7 tháng của năm 2022, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,19 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục dù thị trường thế giới đang có nhiều biến động.
Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3 tỷ USD, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo hoàn toàn có thể “cán đích”, thậm chí vượt kế hoạch đã đề ra.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng cao do chất lượng lúa gạo không ngừng được cải thiện. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đang niêm yết/giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những con số xuất khẩu khá ấn tượng.
Chẳng hạn, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) đã xuất khẩu hơn 4.500 tấn với giá trị hơn 3 triệu USD vào thị trường EU, Trung Đông và châu Á.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR) đã xuất 11.000 tấn gạo sang Hàn Quốc và gần 1.000 tấn gạo xuất khẩu sang EU và Trung Đông. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo trong 3 năm sang Sierra Leone, dự kiến giá từ 1,3 - 1,4 tỷ USD…
Song, điều đáng nói, dù sản lượng xuất khẩu tăng, giá trị cao, nhưng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo vẫn báo lỗ.
Đơn cử, trong quý II, Lộc Trời báo lỗ hơn 90 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 36,7 tỷ đồng; lỗ hợp nhất 46,3 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Cũng giống như Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp gạo như Trung An, Angimex…, AGM ghi nhận doanh thu quý II/2022 tăng gấp rưỡi cùng kỳ nhưng lợi nhuận âm gần 10 tỷ...
Lý giải về tình trạng thua lỗ, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, mặc dù doanh thu hợp nhất tăng 30,18% so với cùng kỳ, nhưng do chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều tăng nên lợi nhuận sau thuế quý II giảm (mức giảm hơn 93,6 tỷ đồng so với cùng kỳ).
Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực ghi nhận 3.390 tỷ đồng, tăng 47% và đóng góp đến 57% tổng doanh thu của LTG. Các mảng kinh doanh khác như: thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, bao bì đều giảm. Tuy nhiên, mảng lương thực biên lợi nhuận gộp mỏng hơn 2,4%, chỉ đem về 83 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Mảng thuốc bảo vệ thực vật có biên lợi nhuận gần 37% và hạt giống cây trồng đạt 25,8%.
Đáng chú ý, trong kỳ chi phí tài chính và chi phí quản lý của LTG đều tăng cao. Theo đó, chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 116 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 31% lên 239 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 17% lên 88 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí tài chính tăng cao nguyên nhân là do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.
"Trong kỳ, chi phí nguyên vật liệu ghi nhận tăng 12,3% so với đầu năm, chi phí mua hàng hóa tăng 21%, bên cạnh đó chi phí logistics cũng tăng mạnh... Các yếu tố này cũng góp phần làm tăng chi phí bán hàng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm công ty thua lỗ trong quý II", ông Thuận chia sẻ.
Thực tế, không chỉ là câu chuyện gia tăng chi phí đầu vào, hay chênh lệch tỷ giá, mà biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn suy giảm do giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục dự báo giá xuất khẩu gạo khó có sự bứt phá mạnh khi mà giá lúa mỳ đã trở về bằng mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung từ các nước sản xuất gạo lớn cũng đang dồi dào.
Nhìn chung nhu cầu thị trường đang yếu, sức mua không cao. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Philippines, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường Philippines chủ yếu có nhu cầu nhập khẩu loại gạo có mức giá trung bình.
Bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã mất "ngôi vương" khi tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
“Những thị trường khác vẫn ổn định nhưng sản lượng nhập không cao. Do đó, khả năng thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục trầm lắng đến hết vụ thu hoạch lúa hè thu, sang cuối tháng 9 đầu tháng 10 mới có thể khởi sắc trở lại”, các chuyên gia đánh giá.
Chờ đợi cú 'lội ngược dòng'?
Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp ngành gạo kém tích cực, nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng, một số doanh nghiệp có thể tăng trưởng trong "giai đoạn nước rút" của năm, nhất là khi nguồn cung thương mại toàn cầu hiện đang bị siết chặt, trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định có thể sẽ hỗ trợ tốt cho gạo Việt.
Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, giá nguyên vật liệu tăng cao và bất ổn chính trị kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ về giảm tỷ lệ sử dụng phân bón, làm giảm năng suất lúa và việc nguồn cung lương thực suy giảm cả về chất lượng trên diện rộng..., những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, ở trong nước, Bộ NN&PTNT đã tích cực triển khai hướng dẫn quy trình canh tác hợp lý, và Bộ Tài chính đã đề xuất thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón để ổn định nguồn cung nội địa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn và đảm bảo chất lượng sản xuất.
Cùng với đó, giới phân tích kỳ vọng, sau giai đoạn tạo đáy, giá gạo sẽ "ấm" dần lên, sự thiếu hụt lương thực trên thị trường thế giới do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy giá gạo Việt Nam vào một chu kỳ tăng mới, nhờ vậy, giá gạo trung bình cả năm 2022 được dự báo sẽ trở về thời hoàng kim tương tự năm 2021.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines không thể không tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu gạo trở lại từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất gạo Việt Nam sẽ cải thiện nhờ xu hướng giảm giá phân bón sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
"Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa trên ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Thứ hai, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 - dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu.
Cuối cùng, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng có rất ít doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn để vào thị trường này", VDSC nhận định.
Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp.
Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.