Gạo Việt gia tăng cách biệt Thái Lan 37 USD/tấn, kỳ vọng kim ngạch 'lập đỉnh' 4,5 tỷ USD
(DNTO) - Các "ông lớn" nhập khẩu gạo lớn trong khu vực đang tích cực tìm nguồn cung, trong khi Việt Nam đang là "vựa lúa" lớn nhất thế giới, đây là yếu tố đẩy giá gạo Việt Nam bỏ xa Thái Lan tạo cách biệt lên tới 37 USD/tấn. Ở kịch bản lý tưởng, xuất khẩu gạo nhiều kỳ vọng sẽ mang về 4,5 tỷ USD.
Giá gạo tăng, nhiều quốc gia vẫn xếp hàng đặt mua
Ngày 10/10, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa thông tin, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 USD lên mức 618 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan lại giảm 5 USD, còn 581 USD/tấn. Như vậy, khoảng cách hiện tại của gạo Việt và Thái Lan lên đến 37 USD. Gạo Pakistan ổn định mức 548 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng ở mức 598 USD/tấn.
Như vậy, hiện nay giá gạo Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, có thời điểm giá gạo lên đến 650 USD/tấn mà doanh nghiệp không thể gom đủ gạo để bán. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Trong khi gạo Việt tăng theo nhu cầu thị trường thế giới, thì gạo Thái Lan giảm do đồng tiền của nước này đang bị mất giá so với USD. Bên cạnh đó là yếu tố lãi suất của Thái Lan cũng thấp hơn phân nửa so với USD. Thị trường tài chính bất lợi kéo giá cả hàng hóa đi xuống. Theo một số chuyên gia, chính vì vậy đã tạo ra sự ngược chiều của giá gạo Việt Nam và Thái Lan, trong khi nhu cầu sản phẩm gạo trên toàn cầu vẫn tăng.
Cùng với Philippines, Indonesia và Malaysia đang là những nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới và khách hàng lớn của Việt Nam. Ngày 4/10 vừa qua, Philippines đã dỡ bỏ mức giá trần với gạo xay xát thông thường và xay xát kỹ. Ông Marcos, Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, khẳng định đây là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ áp trần giá gạo vì chính phủ có đủ nguồn cung.
9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,4 triệu tấn, tương đương trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mời thầu 500.000 tấn gạo nhập khẩu, trong đó có 300.000 tấn dành cho nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và 200.000 tấn từ Pakistan.
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo nhìn nhận, việc Indonesia mở thầu gạo trong tháng 10 sẽ giúp thị trường thế giới cũng như Việt Nam những tháng cuối năm tăng trưởng bứt phá. Riêng hoạt động giao hàng, gạo Việt có lợi thế lớn vì tốc độ giao nhanh hơn Thái Lan, Myanmar. Do đó, đợt đấu thầu của Indonesia, dự kiến công bố vào tháng 12 tới, doanh nghiệp Việt có thể "rinh" về hợp đồng lớn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Philippines sẽ cùng với Trung Quốc trở thành 2 nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn. Ngoài các thị trường chính trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Gana, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile cũng tăng 46% đến vài chục lần so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 1 đến tháng 9, xuất khẩu gạo sang các thị trường này tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong quý 4 dự báo mỗi tháng xuất khẩu 500 nghìn tấn
Kỳ vọng vào giá gạo Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, ổn định trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nhìn vào kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Liên hệ với những lần "tăng nóng" trước, điều đáng chú ý là đạt được giá trị xuất khẩu 3,66 tỷ USD mà khối lượng gạo xuất khẩu chỉ 6,6 triệu tấn, trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần tới 7,1 triệu tấn gạo. Đó là bởi giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng, nhiều lo ngại khi một trong những chính sách được quan tâm nhất hiện nay là thuế xuất khẩu 20% đối với mặt hàng gạo đồ của Ấn Độ sẽ hết hạn vào ngày 15/10. Hiện chưa biết chính sách này sẽ được tiếp tục duy trì hay chấm dứt? Đây là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất quan tâm.
"Tuy nhiên, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Malaysia nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hơn nữa, người tiêu dùng Malaysia lại tương đối thích gạo Việt Nam, đây chính là cơ hội cho gạo Việt", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm 2023, Việt Nam đã tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường. Trong 3 tháng cuối năm 2023, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.
Để nắm bắt cơ hội tăng xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT đã tăng cường các giải pháp ổn định năng suất, chất lượng lúa gạo, trong đó cần tập trung tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông thêm 50.000ha.
"Kịch bản cao nhất nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu vẫn duy trì được mức 800 nghìn tấn/tháng như tháng 9 vừa qua, thì trong 3 tháng cuối năm có thể xuất hơn 2 triệu tấn. Trong quý 4 dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỷ USD", Thứ trưởng Tiến nhận định.