Mặt trái của giá gạo tăng cao: Đừng để 'thời cơ' thành 'rủi ro'
(DNTO) - Thị trường gạo suốt 2, 3 tuần qua luôn trong tình trạng "sốt nóng sình sịch". Giá gạo Việt liên tục thiết lập những kỷ lục mới khi đạt mức giá “khủng” 578 USD/tấn. Cơ hội "vẽ" lại bản đồ gạo đang rất gần, song nếu không có biện pháp xử lý linh hoạt, thấu tình đạt lý, thì “thời cơ” rất dễ thành “rủi ro”.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Vượt qua Thái Lan, gạo Việt Nam xuất khẩu những ngày gần đây đang giành vị trí "ngôi vương". Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Cụ thể, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn trong khi loại gạo này của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức đắt nhất thế giới. Thị trường xuất khẩu gạo cũng vì thế mà đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, tại thời điểm này, thay vì niềm vui "được mùa", không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ đang phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. Bởi nếu doanh nghiệp bán ra với giá quá cao, khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung mới với giá hợp lý hơn, khi đó, có thể mất thị trường hay tốn nhiều thời gian, công sức để đàm phán mua hàng trở lại. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao.
"Với các ngành hàng nông sản khác, thông thường doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên, với ngành hàng gạo lại có chút khác biệt. Tại Việt Nam, chỉ khoảng 3,5 tháng/vụ lúa, điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung liên tục được lấp đầy. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường tính chuyện đường dài", ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ.
Nhìn xa hơn, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo nhận định, cần tính đến bài toán an ninh lương thực quốc gia. Sự biến động của thị trường lúa gạo tuy đã được dự đoán từ trước, song doanh nghiệp cũng không lường được mức độ xảy ra quá nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn do giá tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chỉ rõ, giá lương thực tăng, quyền thương lượng sẽ chuyển từ người mua (doanh nghiệp) sang người bán (nông dân). Lúc này, người nông dân lời nhiều sẽ không quan tâm lắm tới việc tiết giảm chi phí sản xuất để có giá thành hợp lý cũng như chất lượng gạo tốt hơn.
Trước đây, nông dân cần người tiêu thụ lúa, họ liên kết với doanh nghiệp. Còn bây giờ, doanh nghiệp phải đi tìm họ để mua. Cầu quá cao dẫn đến liên kết lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn.
“Doanh nghiệp đang điều chỉnh giá thu mua lúa trong dân, nhưng cũng chỉ tăng thêm một chút, tăng nhiều thì chúng tôi không đảm bảo lợi nhuận khi xuất khẩu. Bị kẹt ở giữa, các doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt để giải quyết giữa phần tăng giá bán gạo, tăng giá mua lúa cũng như bù đắp phần lỗ cho các hợp đồng đã ký từ trước”, ông Thòn nói.
Phải chơi "ván bài lật ngửa"
Phải nhìn nhận, giá gạo xuất khẩu đang lập đỉnh cao, cũng là lúc lúa gạo Việt lộ ra "lỗ hổng". Thực tế, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo chỉ là "giọt nước tràn ly". Việc thế giới đang khan hiếm lương thực là vấn đề từ 10 năm nay. Năm sau, nguy cơ cao hơn năm trước. Đây chính là "thiên thời, địa lợi" của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, bài học vẫn còn đó, cơ hội lớn nhưng một số doanh nghiệp vẫn hụt hơi báo lỗ. Rõ ràng, sản xuất đang không gắn liền với thị trường. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp "làm chủ" cuộc chơi nhưng vội vàng chưa nắm rõ nguồn hàng đã ký hợp đồng thì rủi ro đến là đương nhiên.
Trong khi đó, mô hình "cánh đồng liên kết" mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cách đây đã 10 năm, song ở ĐBSCL, những mô hình như thế mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn kinh doanh manh mún. Do đó, cơ hội vẫn ngoài tầm với của doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra lúc này đối ngành hàng lúa gạo của Việt Nam là làm gì để phát triển bền vững? Doanh nghiệp và người trồng lúa phải làm sao để tính chuyện đường dài? Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư bài bản, chủ động và là người định hướng, dẫn dắt xây dựng mối liên kết.
Theo ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia ngành nông nghiệp, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng với tư cách là người điều phối, hỗ trợ. Riêng đối với ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi, cho vay vốn trung hạn và dài hạn, để các doanh nghiệp thu mua lúa và thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời điểm tháng 9, tháng 10 tới đây vẫn đang trong mùa mưa bão. Do đó, khâu thu mua, vận chuyển, xay xát, kho lưu trữ đóng vai trò quyết định trong việc xuất khẩu gạo.
"Về phần mình, doanh nghiệp và nông dân cùng phải chơi “ván bài lật ngửa” với nhau, thông tin rõ giá bán gạo xuất khẩu. Đặc biệt, cần thêm điều khoản linh hoạt theo giá thị trường. Theo đó, nếu giá gạo tăng, phía đối tác nước ngoài cũng cần tăng giá thu mua. Ngược lại, nếu giá gạo giảm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng nên hạ giá bán để hài hòa lợi ích của hai bên. Như vậy, sẽ không xảy ra tình trạng đầu cơ và ghim hàng, chờ giá tăng", ông Thủy nhấn mạnh.
Mới đây, ngày 5/8, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 của Chính phủ, trong đó quy định về liên kết sản xuất, chỉ cần áp dụng đúng và có một chút sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới là có được khung pháp lý để nông dân và doanh nghiệp thực hiện, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.
Trước mắt, các chuyên gia khuyến nghị, gạo Việt đang đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt càng cần "bình tĩnh". Bởi lẽ, mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn về một phía, một khía cạnh thì rất có thể, cơ hội sẽ biến thành rủi ro. Do vậy, điều cần thiết nhất trong lúc này, nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ để vụ mùa sau vẫn có thể "ngồi chung mâm". Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần tỉnh táo trong việc mua bán hiện nay. Giữ chữ "tín" cũng là việc đặt lên hàng đầu lúc này.