Thế giới ‘khát’ gạo nhưng Việt Nam không đủ đáp ứng
(DNTO) - Thế giới thiếu 8,7 tấn gạo trong năm nay. Là nước xuất khẩu gạo lớn, quý đầu năm, xuất khẩu gạo nước ta tăng hơn 23% về lượng, gần 9% về giá, nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thiếu hụt.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gần 180 lần
Cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 của Bộ Công thương ngày 26/4 đã cho thấy nhiều điểm sáng về bức tranh sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong quý đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,85 triệu tấn gạo trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Bình quân giá gạo xuất khẩu là 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với cùng kì.
Đáng chú ý, lượng gạo xuất sang các thị trường truyền thống đều tăng “khủng”. Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gần 180 lần (148.500 tấn, trị giá gần 70 triệu USD); sang Trung Quốc tăng 91% (340.000 tấn, trị giá 199 triệu USD); sang Philippines tăng 33% (hơn 893.000 tấn, trị giá 450 triệu USD). Philippines là bạn hàng lớn nhất, chiếm gần 48% tổng lượng xuất khẩu và 46% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Mặc dù kinh tế thế giới biến động phức tạp nhưng xuất khẩu gạo nước ta trong quý đầu năm thắng lợi lớn. Nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn Thái Lan, Ấn Độ ", ông Toản cho hay.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều loại gạo giá trị gia tăng cao như gạo thơm đã xuất khẩu sang EU và tăng trưởng gần 50%, tăng mạnh ở thị trường Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.
“Điều này cho thấy chất lượng gạo nước ta ngày càng gia tăng và chúng ta có tiềm năng tăng thị phần các loại gạo giá trị cao tại các thị trường khó tính”, Thứ trưởng cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo giá gạo sẽ tiếp tục biến động vào những tháng cuối năm, khi các nước tăng cường dự trữ lương thực để ứng phó xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
“Nhu cầu tăng trong khi nguồn cung từ Ấn Độ, Pakistan - các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Vì vậy, Việt Nam có lợi thế nguồn cung sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt”, ông Nam dự báo.
Doanh nghiệp muốn bán nhưng thiếu gạo
Theo Fitch Solutions, năm nay, thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn, mức cao nhất trong 20 năm qua.
Chủ tịch VFA cho biết, nguồn cung thế giới thiếu hụt nên xuất khẩu gạo của nước ta cũng thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề là ngành sản xuất gạo trong nước làm sao để đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. "Gạo Việt vẫn cần chất lượng ổn định hơn, nhất là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để doanh nghiệp giữ uy tín và mạnh dạn chào hàng vào các thị trường cao cấp", ông Nam nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (Lotus Rice) cho biết không phải gạo Việt “chảnh” nhưng thực sự là không đủ gạo để bán. Do đó, vấn đề của gạo Việt hiện nay không phải là giá cả, mà là chất lượng và số lượng.
“Chính xác là không đủ số lượng gạo chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường EU, Mỹ. Trước khách hàng mua gạo Việt vì giá rẻ, nay họ mua vì chất lượng", ông Khỏe nói và cho biết Lotus Rice hiện xuất khẩu vài nghìn tấn gạo sang EU mỗi năm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của họ.
Vị này cũng cho biết, khó khăn của ngành gạo Việt không phải là thị trường, mà là vùng trồng vì thế giới đang rất cần gạo Việt. Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng phải quy hoạch một cách bài bản để đảm bảo cho ra những loại gạo chất lượng, với số lượng lớn.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An đề xuất Bộ Công thương cần làm việc với phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo qua Lào Cai. Ngoài ra, cần rà soát lại Nghị định 103 về gạo xuất khẩu đi châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhìn nhận gạo Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo thơm và gạo trắng cao cấp của Thái Lan hay gạo trắng thường giá rẻ của Ấn Độ, Pakistan. Thương nhân kinh doanh gạo đang chịu áp lực lớn khi giá thành vật tư nông nghiệp, giá thu mua lúa gạo tăng cao. Trong khi đó, vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam còn khá mờ nhạt trong việc liên kết giữa các thương nhân, chủ động đàm phán và tìm kiếm thị trường.
Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo đến năm 2030. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng, thị trường xuất khẩu… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường thế giới.