Có loại gạo ngon nhất Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn chật vật xây dựng thương hiệu
(DNTO) - Thái Bình là địa phương có diện tích trồng lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng và có loại gạo ngon nhất Việt Nam là TBR39, nhưng doanh nghiệp trong tỉnh vẫn gặp khó khăn khi xuất khẩu vì chưa xây dựng được thương hiệu.
Sáng 2/3, tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo năm 2023.
Năm 2022, Thái Bình tiếp tục là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 155 nghìn ha/năm, sản lượng thóc đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh, 60% bán trong nước và xuất khẩu. Nhiều năm trở lại đây, Thái Bình đạt năng suất lúa đều trên 130 tạ/ha/năm, là năng suất cao so với mức trung bình cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo, trong đó có 20 công ty, 4 hợp tác xã có quy mô vừa và lớn, áp dụng dây truyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát; 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm.
Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình. Một số nhãn hiệu được người tiêu dùng ưa thích như: Gạo Làng Giắng, Gạo Nếp Keo, Gạo chợ Gốc, Gạo hữu cơ Đài thơm 8, Gạo 3T, A Sào, Niêu Vàng, Gạo dinh dưỡng lứt tím, Gạo tám thơm Tiền Hải, Gạo Hoa Cúc vàng; một số sản phẩm gạo đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, và đề nghị xếp hạng 4 sao. Đặc biệt năm 2022, gạo TBR39 đã giành Giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Báo, CEO ThaiBinh Seed, để gạo Thái Bình được đi xa hơn, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, thực hiện chuỗi các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ và cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất.
“Việc doanh nghiệp Thái Bình tạo ra giống lúa tốt, sản phẩm gạo tốt nhưng tới nay chưa xây dựng được thương hiệu gạo của Thái Bình là điều thiếu sót. Các doanh nghiệp phải cùng các cơ quan địa phương vào cuộc khẩn trương để triển khai, phát triển thương hiệu gạo riêng của Thái Bình mạnh hơn nữa”, ông Báo nói.
Ông Trần Mạnh Báo cũng đề nghị phía UBND tỉnh Thái Bình tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; mở rộng thị trường phân phối hiện đại, tích cực đưa sản phẩm nông sản Thái Bình kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình tăng cường kết nối giao thương, hướng đến xuất khẩu.
Được sự định hướng và đồng hành của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục tham gia hỗ trợ làm cầu nối cho sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa trong việc quảng bá sản phẩm gạo của tỉnh và phân phối tới tay người tiêu dùng thông qua Sàn thương mại điện tử Postmart.vn với giá thành ưu đãi, hợp lý cũng như hỗ trợ phương án vận chuyển tối ưu nhất trong thời gian ngắn nhất đến tận tay người tiêu dùng cũng như đảm bảo uy tín cho người bán”, bà Bùi Thị Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Bình cho biết.
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ Ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo tỉnh Thái Bình giữa các nhà sản xuất, phân phối, các doanh nghiệp… Sự hợp tác này góp phần tăng cường quảng bá các nhãn hiệu Gạo Thái Bình tại các hội chợ trong nước, quốc tế, các siêu thị, các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để sản phẩm Gạo Thái Bình từng bước xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt tại thị trường nội địa và thị trường quốc tế.