Để hạt gạo Việt Nam vượt biên giới
(DNTO) - Đối với Doanh nhân Trương Văn Chính, hành trình gắn bó với hạt gạo là một câu chuyện dài từ những năm tháng thanh xuân, giờ là lúc ông mang trên vai trọng trách lớn hơn, đó là cùng với người nông dân nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Từ chiếc máy sấy…
Đúng là chiếc máy sấy đã giúp ông Trương Văn Chính – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính đi lên và thành công. Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như thế vì thời điểm ông nghĩ ra chuyện sấy gạo thì đã có nhiều người trong vùng từng làm nhưng đều thất bại.
Sau khi xuất ngũ trở về quê, ông Chính quyết định khởi nghiệp bằng con đường gắn với lúa gạo khi nhìn thấy tiềm năng vô tận của vựa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Dùng hết vốn liếng mẹ cho là 2 chỉ vàng để mua chiếc ghe làm phương tiện thu mua gạo từ các hộ nông dân về bán lại. Nhưng khác với một thương lái bình thường, ông Chính nghĩ xa và tính sâu hơn về khâu bảo quản khi số lượng thóc mua về mỗi ngày một lớn hơn.
Và ông nghĩ đến chiếc máy sấy. Ở vùng đất này, thời điểm đó, ông Chính được coi là “chịu chơi” khi dám chi một khoản tiền lớn để mua máy sấy. Nhưng dù là chiếc máy sấy rất hiện đại theo công nghệ của Đan Mạch, ông Chính cũng phải mất gần 2 năm thử nghiệm với nhiều mẻ thóc không đạt yêu cầu, nhiều lần thất bại, để mày mò, nghiên cứu và cải tiến thành công dây chuyền sấy theo công nghệ sấy gián tiếp, với 10kg thóc, khi sấy khô và xay xát còn lại được 6kg gạo.
Ông Chính cho biết, muốn làm ra hạt gạo đạt chất lượng, trước hết lúa khi thu hoạch phải có độ chín kỹ, sau khi gặt chỉ lưu trữ trong vòng 36 giờ là phải đưa vào sấy. Bởi lúa thu hoạch đúng độ chín sẽ tăng tỷ lệ thu hồi gạo, khi sấy sẽ giữ nguyên vẹn được hạt gạo, không bị gãy vụn, gạo không bị chua, biến màu, khi nấu chín sẽ mềm dẻo và thơm. Nên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính chỉ tiến hành ký kết với người nông dân trước 7 ngày thu hoạch, vừa đảm bảo được độ chín của lúa, biên độ giá không bị chênh lệch nhiều.
Khi kỹ thuật và dây chuyền được cải tiến thành công, nhân sự giảm đi, hiệu quả sản xuất của Chơn Chính đã tăng lên gấp 5 lần. Tuy nhiên, đối với ông Chính hiệu quả của kinh doanh phải đồng nghĩa với việc tạo ra sản phẩm chất lượng hơn những gì đã làm được. Ông quyết định tăng thời gian sấy lâu hơn, từ 12 giờ lên 24 giờ, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng cao hơn, lợi nhuận giảm đi nhưng bù lại sẽ cho ra được những mẻ gạo tăng gấp 3 lần về chất lượng, hạt gạo chắc chắn không còn ám mùi khói, mùi chua hoặc mùi lạ lẫn vào, giữ được mùi thơm và độ ngọt tự nhiên của gạo khi nấu chín.
Ông Chính cũng xác định vai trò dẫn dắt thị trường, định hướng và nâng cao ý thức của người nông dân. Nếu muốn cung cấp sản phẩm cho Công ty Chơn Chính, chắc chắn người nông dân phải thay đổi tư duy, cung cách làm ăn để cùng ông tạo ra những hạt gạo sạch và chất lượng. Thương hiệu của doanh nghiệp Chơn Chính khởi nguồn từ tâm huyết đó.
… Đến mang hạt gạo đi xa
Năm 2017, sau 7 năm nghiên cứu dây chuyền máy sấy và 5 năm cho dây chuyền xay sát, Nhà máy sấy, xay xát và lau bóng gạo Chơn Chính thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính tại huyện Tháp Mười đã chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, không chỉ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo dựng chỗ đứng riêng trên thị trường, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính còn mang thêm trọng trách xã hội lớn lao, đó là hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, phát triển công nghiệp chế biến và nâng cao giá trị cho chuỗi sản xuất gạo tại địa phương.
Hiện Công ty đã có 30 dây chuyền máy sấy, với công suất đạt 1.000 tấn/ngày và xay xát đạt 500 tấn/ngày. Tỉ lệ bao tiêu sản phẩm cho nông dân đạt 4.000 tấn/tháng, cung cấp cho thị trường trong nước mang thương hiệu riêng của công ty, cung ứng 15.000 tấn/tháng cho thị trường xuất khẩu, chủ yếu sang các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Trung Quốc và Philippines.
Công ty cũng áp dụng công nghệ vào điều khiển máy móc, quản lý tài chính, ký kết, theo dõi hợp đồng với khách hàng… để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động chuyên nghiệp và bài bản.
Không dừng lại ở những gì đạt được, dựa vào nhu cầu và thị hiếu của thị trường gạo cao cấp, Công ty còn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến máy sấy để tạo ra dòng gạo sữa, mà theo ông Chính, làm ra được loại gạo này, nhiệt độ sấy phải tăng cao hơn thông thường, gạo sấy xong trắng và bóng hơn bình thường, nấu chín có mùi thơm của sữa vào gạo, nhưng độ bóng và ngon là hoàn toàn tự nhiên, không có bất kỳ hóa chất nào.
Năm 2021, công ty đạt hạn mức cho vay cao nhất của ngân hàng đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, năm 2022 hạn mức cho vay được tăng gấp đôi. Được sự đánh giá cao như vậy là do tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn đạt kết quả cao, tỷ lệ doanh thu hàng năm tăng trưởng bình quân trên 30% từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2018. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính đã tạo công ăn việc làm cho 200 lao động tại địa phương.
Năm 2022, doanh thu của Công ty dự kiến đạt 1.100 tỉ đồng, toàn bộ công suất của nhà máy hiện luôn full với các đơn hàng được đặt kín đến hết năm. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính hiện là nhà cung cấp gạo chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, được các công ty nhập khẩu hàng đầu hợp tác liên kết để xuất khẩu.
Năm 2022 cùng là một năm đặc biệt, đánh dấu bước phát triển mới của công ty khi đạt được “Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo”, là minh chứng rõ nhất cho năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp góp phần đưa hạt gạo Việt Nam bay ra thế giới.
Điều này cho thấy, để đứng vững trong những lúc gian khó của những ngày đầu hoạt động và để có được thành công như ngày hôm nay của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính, trước hết phải nói đến cái tâm của người đứng đầu, là cả công sức, thời gian và trí tuệ để tạo ra chất lượng hạt gạo, tạo nên tên tuổi riêng và lớn hơn thế là góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, nâng cao giá trị cho hạt gạo của Việt Nam khi đưa ra ngoài biên giới.