Sau chuỗi ngày tăng 'nóng', giá gạo quay đầu giảm 15 USD/tấn cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa
(DNTO) - 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã lập những kỷ lục vô tiền khoáng hậu sau hơn 30 năm gia nhập thị trường gạo thế giới. Tuy nhiên, những phiên gần đây, giá gạo đột ngột quay đầu giảm mạnh, gạo 5% tấm hiện giảm xuống mức 613-617 USD/tấn và gạo 25% tấm còn 598-602 USD/tấn.
Theo báo cáo cập nhật giá gạo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đỉnh 643 USD/tấn với gạo 5% tấm và gạo 25% tấm là 628 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của nước ta giảm 3 phiên liên tiếp, về mức 623 USD/tấn và 608 USD/tấn, sau đó đi ngang. Đây là mức giảm mạnh kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Cùng với đà giảm của giá gạo xuất khẩu, giá gạo tại nội địa cũng ghi nhận xu hướng giảm. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.700 - 11.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Với phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng điều chỉnh giảm 100 đồng/kg. Theo đó, giá tấm IR 504 ở mức 11.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; trong khi đó, giá cám khô duy trì ổn định ở mức 7.100 - 7.200 đồng/kg.
Đáng chú ý, trong khi gạo Việt Nam giảm thì các nguồn cung khác gồm Thái Lan và Pakistan vẫn giữ nguyên mức giá.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, VFA cho rằng giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng dựng đứng một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này. Song, việc Philippines áp trần giá bán lẻ gạo trong nước - động thái nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ khi giá bán lẻ tăng ở mức báo động - đã tác động mạnh tới giá gạo toàn cầu.
Ở khía cạnh khác, giá gạo giảm doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Bởi Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao, gần như không thể mua giá cao hơn. Giá lúa giảm 400-500 đồng/kg. Doanh nghiệp đang thu mua lúa OM5451 với giá 7.500-7.600 đồng/kg. Ông Bình tính toán, mức giá lúa này tương đương với giá gạo xuất khẩu từ 650-680 USD/tấn.
"Cuối tháng 8, giá lúa tăng lên trên 8.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu khi đó. Thế nên, một số doanh nghiệp tạm dừng mua để nghe ngóng thị trường, tránh thua lỗ. Nhưng từ khi Philippines áp trần giá gạo nội địa thấp hơn nhiều giá gạo trên thị trường thế giới, giá lúa gạo Việt bị ảnh hưởng liền quay đầu giảm. Doanh nghiệp đã chấp nhận mua bán gạo để xuất khẩu trở lại", ông Bình cho hay.
Dự báo về giá gạo trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định, tạm thời xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ chậm lại, nhưng nhu cầu mua gạo của các nước vẫn cao. Cụ thể, trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Ghana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng có thị trường gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, đầu năm nay Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ứng phó với hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, gần đây Indonesia điều chỉnh mục tiêu, tăng lượng gạo nhập khẩu cả năm lên khoảng 2,4 triệu tấn. Theo cập nhật của Ssricenews, đến hết tháng 7/2023, Indonesia đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn gạo.
Các chuyên gia cho rằng, với thông tin về việc Indonesia mở gói thầu này nhiều khả năng thị trường gạo thế giới lại tăng nhiệt trở lại sau khoảng gần một tuần giảm giá, bởi nhu cầu từ các thị trường thường tăng mạnh dịp cuối năm, trong khi nguồn cung gạo của nước ta dành cho xuất khẩu không còn nhiều. Theo đó, nhiều khả năng giá gạo 5% tấm sẽ giữ mức giá trên dưới 600 USD/tấn, còn gạo Jasmine sẽ ở mức 699-700 USD/tấn...