Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có tình trạng cố tình đẩy giá gạo cao bất hợp lý
(DNTO) - Về thực tế giá lúa gạo bị đẩy lên cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích giá nông sản quyết định bởi cung cầu, cầu tăng mà cung không tăng thì giá sẽ lên. Nhưng ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn.
Chiều 15/8, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Đề cập vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, một trong các nhóm vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng nói, qua nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, giá lúa gạo đang nóng.
Bộ trưởng phân tích: Gần đây giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong gần 11 năm qua giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng tăng theo. Cụ thể là tăng khoảng 15% trong vòng 6 tháng qua. Trong kịch bản xấu nhất là khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm nay ở các quốc gia châu Á thì giá gạo hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15-20% nữa.
Xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để trả các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hiện tại, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu là điều bất hợp lý nên sẽ sớm dừng lại khi các doanh nghiệp mua đủ hàng.
“Với giá gạo lập đỉnh như hiện nay, doanh nghiệp chưa có đơn hàng cũng không dám thu mua vì sợ Ấn Độ quay lại thị trường, giá sẽ "gãy". Với các số liệu hiện có, Ấn Độ vẫn thừa gạo cần phải xuất khẩu, họ chỉ cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá nội địa. Giá gạo tăng quá mức không có lợi vì chỉ khoảng 1/3 dành cho xuất khẩu, 2/3 tiêu thụ nội địa", ông Hoan khuyến cáo.
Với nỗi lo về "sốt ảo" có thể đẩy giá gạo tiêu dùng trong nước tăng, ông Hoan cho rằng, nếu chúng ta không quản lý, kiểm soát tốt khâu thu mua, xay xát, chế biến, xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua thì có thể dẫn đến tình trạng tranh nhau thu mua, gây hỗn loạn thị trường lúa gạo trong nước... Do đó, rất cần sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hiệp hội Lương thực Việt Nam để tránh tình trạng giá gạo tại thị trường nội địa tăng quá mức, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, ngoài bài toán cung cầu còn tình trạng cố tình đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn. Chúng ta phải đảm bảo giá gạo tăng không gây sốc cho thị trường nội địa.
Theo Bộ trưởng Hoan, để giải mã được các chuỗi này, đòi hỏi sự phát triển kinh tế hợp tác. Bộ trưởng phân tích, 20% diện tích lúa ở ĐBSCL có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được. Thậm chí trong 20%, đó không phải chuỗi nào cũng bền vững vì chuỗi ngành hàng bắt đầu từ người nông dân, tới doanh nghiệp để đưa ra thị trường, ở giữa là khoa học công nghệ, nhà quản lý. Không phải dễ dàng để liên kết chuỗi khi sự phân chia lợi ích không đồng đều. Vấn đề Bộ cùng các đơn vị cần làm thời gian tới là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc nếu đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh này, Việt Nam có đảm bảo về an ninh lương thực? Tính toán của Bộ NN&PTNT ở kịch bản “an toàn rất cao” cho thấy, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác là khoảng 29,5 triệu tấn/năm. Như vậy, cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Cùng với đó, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn mỗi năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết.
“Hiện tại, Việt Nam đã sản xuất 3 vụ lúa/năm nên chúng ta không lo thiếu gạo. Không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt như hiện nay, chúng ta cần phải nắm bắt”, ông cho hay.
Ông Hoan nhấn mạnh, để tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo, bộ đang tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất tốt, nhằm đảm bảo cung ứng sản lượng.
Hiện, Bộ đã giao Cục Trồng trọt, Thủy lợi, Bảo vệ Thực vật xem xét tình hình hạn mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ Thu Đông bao nhiêu là hợp lý. "Nếu tăng thêm 50.000ha lúa vụ Thu Đông, Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD, vừa góp phần cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân".
Đối với vụ Đông Xuân, Bộ trưởng Hoan chia sẻ rất quan tâm, ngay sau vụ Thu Đông kết thúc đã chỉ đạo rõ về kỹ thuật, bám sát hạn mặn, khung thời vụ xuống giống từ tháng 10, thu hoạch càng sớm càng tốt, kết thúc khung thời vụ là 31-12, né mặn, hạn, còn có thêm gạo phục vụ xuất khẩu.
“Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của bộ như: Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Quản lý, Chế biến và phát triển thị trường xử lý các rào cản kỹ thuật trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu càng sớm càng tốt để mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường”, ông Hoan thông tin.