Giá gạo tăng ai mừng ai lo?
(DNTO) - Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam. Giá lúa tăng cao, là tín hiệu vui cho nông dân; Vừa mừng vừa lo là nỗi lòng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo; Còn các tiểu thương, các nhà sản xuất, chế biến mặt hàng từ gạo, đặc biệt là các bà nội trợ thì… lo toàn tập.
Giá lúa tăng khiến người nông dân phấn khởi là lẽ thường tình, vì họ là người trực tiếp hưởng lợi. Giá lúa tăng giúp nông dân cải thiện cuộc sống, có động lực để giữ đất sản xuất lúa, có điều kiện chủ động trong việc đầu tư vật tư, giống lúa, phân thuốc… từ đó, chất lượng của hạt lúa cũng được tăng lên.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nói vừa mừng vừa lo là vì đây là cơ hội giúp hạt gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mở rộng thị trường, xây dựng uy tín và thương hiệu, nhất là các doanh nghiệp có liên kết, có vùng nguyên liệu rõ ràng.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp không có liên kết, không có vùng nguyên liệu thì hoàn toàn bất lợi vì phải thu mua lúa với giá đắt theo thị trường. Thêm một nỗi lo dành cho doanh nghiệp nữa là làm sao phải giữ được sự hài hòa giữa việc đẩy mạnh xuất khẩu với cân đối cung - cầu và ổn định giá cả trong nước…. Đồng thời, để có đủ số lượng gạo xuất khẩu, doanh nghiệp phải tăng cường thu gom và điều này tốn thêm một khoản chi phí khá lớn.
Với tiểu thương kinh doanh mặt hàng gạo, trong tình hình giá gạo hầu như tăng từng ngày, từng giờ, họ phải liên tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ khiến việc buôn bán rất khó khăn. Vừa bán ra xong giá thu mua vào đã cao hơn giá vừa bán ra. Song, số gạo bán ra mỗi ngày không vì thế mà bị giảm, ngược lại còn tăng nhiều hơn trước do khách hàng có xu hướng dự trữ đề phòng trường hợp giá gạo còn tăng tiếp. Nỗi lo kế tiếp của tiểu thương là xảy ra hiện tượng tích trữ chờ giá ở các kho khiến việc nhập gạo trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, ai cũng biết gạo ngoài là mặt hàng thiết yếu, là lương thực chính trong bữa ăn của người Việt Nam, gạo còn là nguyên liệu làm ra bún, phở, bánh canh… các loại bột làm bánh, vì thế, gạo tăng giá dẫn tới nỗi lo cho các cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế biến từ gạo.
Tưởng không liên quan gì, nhưng theo kiểu hiệu ứng domino, giá cả tăng lập tức các loại dịch vụ cũng nhanh chóng, tích cực ăn theo. Và thực tế cho thấy, các loại hình dịch vụ một khi đã lên là lên bền vững, hầu như không xuống. Cái này thấy rõ nét nhất sau mỗi cái tết Nguyên Đán.
Riêng với các bà “nội tướng”, không riêng gì gạo, giá lương thực, thực phẩm tăng vọt luôn là nỗi “ám ảnh” thường trực của các chị em. Mới vừa qua, bên cạnh niềm vui được tăng lương, người lao động đã phải một phen đối phó với tình trạng “té nước theo mưa” của giá cả sinh hoạt. Nhà nhà, người người còn chưa kịp thích nghi được với cảnh “thắt lưng buộc bụng” thì nay lại đến gạo tăng giá đột biến. Nỗi lo không thừa thãi là nỗi lo giá gạo tăng liên tục sẽ tạo cơ hội cho nhiều tiểu thương "găm hàng", đẩy giá nhằm trục lợi… Thế là theo thói quen “ngàn đời”, các chị đổ xô đi mua gạo về tích trữ mặc dù số lượng gạo mua tích trữ có khi không là bao. Tất nhiên, nếu lấy thực tế để chứng minh, kể cả trong đại dịch Covid-19, việc chúng ta đổ xô mua tích trữ hàng hóa lương thực vì một sự biến động nhất thời là việc không nên làm.
Ai cũng biết, xuất khẩu là một hoạt động cơ bản của hoạt động kinh tế đối ngoại, là phương tiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển, là một mục tiêu quan trọng của chính sách thương mại quốc gia. Xuất khẩu gạo trước hết làm tăng thu nhập của người nông dân đặc biệt ở các vùng chuyên canh lúa nước, đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa. Theo đó giúp giải quyết một lượng lớn lao động trong nước.
Vì vậy, cân đối giữa xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu quốc gia. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNN: “Chúng ta hoàn toàn yên tâm là có thể đảm bảo an ninh lương thực ở mức cao nhất, bởi đã có dự trù tính toán nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cân đối xuất khẩu, kể cả trong tình huống dịch bệnh, thiên tai có xảy ra”.
Trên tinh thần đó, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, giá lúa gạo tăng là tín hiệu tốt cho bà con nông dân. “Dự báo khoảng hai tuần nữa thị trường lúa gạo giá cả sẽ trở lại ổn định. Đặc biệt, hiện nay VN có 46 triệu tấn lúa dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, người dân không nên lo lắng”, TS Trần Minh Hải khẳng định.
Còn trong nội dung Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành có ghi: Dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo… xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu gạo VN trên thị trường quốc tế.