Cổ phiếu ngành lúa gạo liệu còn hấp dẫn khi đã tăng chóng mặt?
(DNTO) - Nhiều cổ phiếu ngành gạo đã bất ngờ tăng mạnh đang cho thấy sức hút từ nhóm ngành này trước biến động của giá lúa gạo trong nước.
Hưởng lợi từ câu chuyện giá gạo xuất khẩu
Phiên giao dịch hôm nay, ngày 7/8, thị trường ghi nhận phiên tăng giá kịch trần thứ 10 của VFS, cổ phiếu của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, kể từ ngày 24/7 đến nay. Thị giá VFS từ chỗ chỉ có 7.900 đồng/cp thì nay đã đạt mức 32.700 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 308%; trung bình mỗi phiên chỉ có khoảng 200 ngàn đơn vị được khớp lệnh.
Tương tự, AGM của Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang cũng kết phiên tím trong ngày 7/8 với tình trạng hoàn toàn trắng bên bán và đây cũng là phiên thứ 11 liên tiếp, AGM tăng kịch trần. Thị giá cổ phiếu tăng từ mức 6.510 đồng/cp lên mức 12.650 đồng/cp, tức tăng 107% kể từ ngày 24/7.
Ngoài hai cổ phiếu tăng mạnh trên, nhiều cổ phiếu cũng thu hút nhà đầu tư như LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, tăng khoảng 13%; TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tăng khoảng 24% trong khoảng hơn 10 phiên giao dịch gần đây.
Chính sách hạn chế xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ, tiếp đó là cả của Nga và UAE đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong một thập kỷ, qua đó khiến giá lúa thu mua trong nước cũng bị xáo trộn mạnh, tăng nhanh mỗi ngày.
Kỳ vọng từ việc giá gạo gặp thời tăng giá đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu ngành gạo, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine và thời tiết El Nino được dự đoán còn ảnh hưởng đến tình hình lương thực thế giới.
Soi bức tranh tài chính quý 2
Điều đáng nói, kết quả kinh doanh quý hai của các doanh nghiệp ngành gạo đang không mấy sáng. Đơn cử, AGM bước vào quý thứ 5 lỗ liên tiếp. Quý 2 năm nay, theo báo cáo tài chính hợp nhất, AGM giảm tới 88% doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế âm 33 tỷ đồng, tăng 108% so với mức lỗ 16 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Trung An ghi nhận mức lỗ 7,9 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất với lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tới 23 tỷ đồng. Nguyên nhân được doanh nghiệp đưa ra là do chi phí lãi vay doanh nghiệp tăng cao và do số hàng hoá phải thanh lý do hư hỏng tại cảng cho khách nước ngoài.
Trong khi đó, Lộc Trời lãi ròng gần 426 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng, quý có lợi nhuận cao nhất từ khi niêm yết tới nay. Tuy nhiên, đáng chú ý, mục lãi lỗ trong công ty liên kết của Lộc Trời ghi nhận tới 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa xuất hiện và nhiều khả năng điều này liên quan đến khoản đánh giá lại tài sản của công ty con.
Với VSF, doanh nghiệp này từng thua lỗ nặng nhiều năm nay, nặng nhất là năm 2018 với gần 1,5 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ mới bắt đầu có dấu hiệu thu hẹp dần từ năm 2022. Dù vậy, cả quý 2, doanh nghiệp mới chỉ lãi 9,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ là 4,4 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm lãi sau thuế cũng chỉ vỏn vẹn 9,9 tỷ đồng, con số đáng suy nghĩ khi so với mức tăng trên 300% của cổ phiếu VSF chỉ trong khoảng 10 phiên.
Về tổng thể, so với quý 2, nhóm doanh nghiệp ngành gạo cũng chưa thực sự khởi sắc. Giai đoạn từ nay đến cuối năm, ngành gạo có lẽ còn phải chờ đợi thêm và liệu các doanh nghiệp ngành gạo có được hưởng lợi như mong muốn?
Đâu là điều cần lưu ý?
Báo cáo từ công ty Chứng khoán Maybank lại bày tỏ quan điểm về ngành gạo trong nước cho biết, Việt Nam có thể sẽ thực hiện các biện pháp hạn xuất khẩu gạo như Ấn Độ để đảm bảo an ninh lương thực. Công ty này dẫn chứng, xuất khẩu gạo hai tháng vừa qua đã giảm xuống còn 600.000 tấn từ hơn 1 triệu tấn trong tháng 4 và 5.
Ngoài ra, tình hình El Nino có thể chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo trong nước, do đó sản lượng có thể không đáng lo ngại. Gạo là một trong những mặt hàng bình ổn giá. Do đó, phía cơ quan chức năcó thể thực hiện các biện pháp để ổn định giá bán lẻ trong nước. Những tác động của ngành gạo lên nền kinh tế được cho là khó có đột biến.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập Finpeace, cho biết trong chương trình Khớp lệnh ngày 7/8, quy mô các doanh nghiệp gạo trên sàn chứng khoán nhỏ nên những biến động trên thế giới khả năng sẽ gây đột biến trong kinh doanh các doanh nghiệp. Theo quan điểm của ông, ai đang giữ có thể giữ tiếp, đặt ngưỡng chặn lãi chờ cổ phiếu đi lên. Từ nay đến cuối năm, đây là vấn đề cần chú ý.
Cũng theo ông Tuấn Anh, khả năng nhà đầu tư lớn đang nắm giữ nhiều cổ phiếu và họ đang cầm trịch câu chuyện.
Diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký chỉ thị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
"Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế", Thủ tướng nêu rõ.