Nông dân ồ ạt chặt điều trồng sầu riêng: Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu giải pháp
(DNTO) - Chia sẻ tâm tư khi nhiều bà con tại “thủ phủ” điều Bình Phước đốn loại cây truyền thống này để thay bằng sầu riêng. Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác.
'Trồng sầu riêng thu 1 tỷ đồng/ha còn trồng điều là 35 - 40 triệu đồng'
Từ cuối năm 2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Lập tức, giá sầu riêng tăng cao, thị trường tiêu thụ rất tốt - dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành nông nghiệp, cho nông dân Việt Nam, đặc biệt là vùng nông sản các tỉnh Tây Nguyên. Tuy vậy, Trung Quốc đã không còn dễ tính khi đòi hỏi hàng nông sản nhập khẩu đường chính ngạch cũng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, để có thể đi vào quy trình bảo quản, chế biến, sản xuất công nghiệp...
Vì vậy, hồ hởi đón nhận một thị trường mới, hiện tượng ồ ạt đốn hạ, phá hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, điều..., để trồng sầu riêng ở một số vùng trồng ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đang diễn ra với hy vọng cho thu lợi nhuận cao hơn.
"Tôi hỏi bà con, điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây để trồng sầu riêng? thì nhận được câu trả lời "đắng lòng", giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/hecta, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?".
Câu chuyện đầy trăn trở và suy nghĩ về những bất cập của nông sản được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 21/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, việc chuyển đổi cây trồng một cách thiếu tính toán, thiếu kiểm soát, vì lợi nhuận nhất thời và không theo định hướng từ các cơ quan chuyên môn của nhiều nhà vườn như hiện nay có thể đem lại rất nhiều rủi ro trong tương lai.
Cụ thể, trước mắt, việc diện tích trồng cà phê giảm nhanh do bị chuyển sang trồng sầu riêng đã khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng, dự báo sản lượng cà phê cho niên vụ 2023/2024 sẽ giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cà phê những tháng cuối năm lên mức trên 70.000 đồng/kg.
Không chỉ vậy, việc sản lượng cà phê giảm cũng đang tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của nước ta, theo thống kê của Chính phủ, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đã giảm 8,7% so với năm 2022. Nếu diện tích trồng tiếp tục giảm thì nước ta có thể sẽ dần mất đi ưu thế của nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới như hiện nay.
Bên cạnh vấn đề về sản lượng cà phê, việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng không kiểm soát cũng có thể gây mất cân bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung vượt quá cầu, về lâu dài lại có thể gây tác động ngược với mong muốn ban đầu, ảnh hưởng tới lợi nhuận của người dân.
Câu chuyện các nhà vườn cam sành ở Vĩnh Long hồi cuối năm 2023 là minh chứng rõ ràng nhất. Những năm vừa qua, do lợi nhuận từ việc bán cam sành rất hấp dẫn, có lúc giá lên tới 13.000-18.000 đồng/kg đã khiến người dân Vĩnh Long chuyển hết sang trồng cam. Tuy nhiên, diện tích phát triển quá nhanh, được mùa, cung vượt xa cầu lại khiến giá cam sành năm nay “rớt” thê thảm, có khi ghi nhận giá bán ra thị trường chỉ 2.000 đồng/kg. Cả vườn thu hoạch 1 tấn cam chỉ thu về khoảng 2 triệu đồng, không đủ bù lỗ, khiến các chủ vườn phải lao đao, kêu gọi giải cứu.
Cần ứng biến theo quy luật thị trường
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác. Để bảo vệ cây điều trước xu hướng mới của thị trường, Bộ trưởng khuyến cáo người dân trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, nhờ đó, vườn điều sẽ có đa tầng giá trị. Ngoài ra, bản thân điều là loại cây có đặc trưng: không dùng thuốc, phân bón hóa học nên có thể có nguồn thu tín chỉ các-bon.
"Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước cần đẩy nhanh các sản phẩm OCOP từ cây điều, đặc biệt lưu ý cần xây dựng chuỗi chia sẻ liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến điều, khắc phục bất ổn khi dân trồng điều mà ta vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu nông sản như sầu riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.
Cho biết vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm từ sầu riêng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt nhiều vấn đề, là muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.
Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản, ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.
Đặc biệt theo Bộ trưởng, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa.