Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác công - tư là chìa khóa xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
(DNTO) - Gạo Việt liên tiếp chinh phục những dấu mốc quan trọng và đang chuẩn bị bắt tay triển khai Đề án "1 triệu hecta lúa chất lượng cao" để nâng tầm thương hiệu trên thị trường thế giới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hợp tác công - tư hiệu quả sẽ là chìa khóa thành công cho mục tiêu này.
1 triệu hecta lúa xanh làm lợi hơn 16.000 tỉ đồng
Hiện nay, vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt.
Theo thống kê, lúa gạo là một trong những ngành có kinh ngạch xuất khẩu lớn, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch gần 4,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh ATTP, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.
Ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng và nguồn nước không ổn định, chúng ta không thể tiếp tục mở rộng diện tích hay tăng vụ, tăng năng suất để tăng sản lượng gạo… Con đường duy nhất là phải tìm cách tăng giá trị gạo Việt để tăng thu nhập cho người nông dân.
Từ thực tế đó, khẳng định Đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho nông dân. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, lý giải, với việc tổ chức sản xuất theo các kỹ thuật trồng lúa kiểu mới, sẽ giảm chi phí đầu vào và hạn chế phát thải khí nhà kính.
Chẳng hạn như đẩy mạnh sử dụng giống lúa xác nhận, giảm lượng lúa giống sử dụng, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước tiết kiệm... bên cạnh đẩy mạnh cơ giới hóa. Hiện tại có nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh được triển khai đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Trong giai đoạn đầu sẽ đưa chi phí sản xuất giảm 20%, tương đương chi phí đầu tư tiết kiệm được có thể lên tới 9.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất thì sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa, và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.
"Với mức giá lúa bình quân 5,1 triệu đồng/tấn, thì việc tăng giá 10% giúp tăng doanh thu từ bán lúa khoảng 7.000 tỉ đồng/năm. Như vậy lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và tăng giá bán. Ước tính nếu trên phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng lên khoảng hơn 16.000 tỉ đồng", lãnh đạo Cục Trồng trọt phân tích.
'Không thể thiếu hợp tác công tư'
Để triển khai Đề án, tại Tọa đàm trực tuyến "Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp", chiều 30/1, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, một trong các công cụ quan trọng là "Mạng lưới Đối mới sáng tạo lương thực, thực phẩm" được thành lập mới đây với mục tiêu liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh.
"Mạng lưới này sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm xanh, bền vững và ít phát thải", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng chỉ rõ: "Việt Nam hiện có hơn 180 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, nhưng chỉ mới có 50 doanh nghiệp có hoạt động hợp tác, liên kết với nông dân. Trong số này chỉ vài doanh nghiệp tổ chức được mô hình bài bản và hoàn chỉnh. Chính vì vậy, vai trò của doanh nghiệp trong việc hoàn thành mục tiêu của đề án là rất quan trọng và tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp ngành gạo cùng chung tay thực hiện".
"Bộ luôn coi trọng vai trò tham gia và đồng hành của khu vực tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Hợp tác công - tư hiệu quả sẽ là chìa khóa thành công cho Đề án, đã đến lúc chuyển từ cam kết sang hành động", Bộ trưởng khẳng định.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Vinaseed, Lộc Trời, cho biết, doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị từ sớm để sẵn sàng tham gia vào đề án. Cụ thể, Vinaseed đã tập trung vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tạo ra được bộ giống chất lượng có khả năng chống chịu và thích nghi với biến đổi khí hậu để tham gia đề án, xây dựng các giải pháp phát triển bền vững lúa gạo và đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp, đó là động thái để đón đầu đề án với mục tiêu xây dựng 30.000 - 35.000 ha lúa chất lượng cao.
Để thực hiện được mục tiêu này, Vinaseed tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, cơ sở vật chất. Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp đã ưu tiên cho Tập đoàn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lúa gạo tại huyện Tháp Mười... Hướng đi mới này, được bà Liên đánh giá sẽ dẫn đến đổi mới mô hình kinh doanh, tránh được những xung đột truyền thống, giảm các khâu trung gian, đi thẳng đến các vùng sản xuất, các HTX. Đây là điểm ưu việt của đề án lúa giảm phát thải khi có được sự tham gia của nhiều tổ chức, không còn đơn lẻ.
Nhấn mạnh Đề án là một cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo khi tất cả đi cùng một hướng, tuy nhiên theo Chủ tịch Vinaseed Trần Kim Liên, băn khoăn lớn nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, kinh phí cho R&D rất hạn chế nên sẽ rất khó khăn. Phải có điều kiện và cơ chế thông thoáng để hợp tác quốc tế và nắm bắt xu hướng mới nhất của thế giới.
“Việc xây dựng một Quỹ Nghiên cứu lúa gạo Quốc gia để tiếp cận quốc tế, cả về xu hướng tiêu dùng và nguồn vật liệu giống là cần thiết để duy trì chất lượng gạo Việt. Điều này đòi hỏi sự trợ lực từ cả nhà nước và doanh nghiệp, cũng như sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển để sớm đưa các thành tựu khoa học vào thực tế”, Chủ tịch Vinaseed khẳng định.