Để đạt mục tiêu 8 triệu tấn, cần có chính sách tín dụng trung dài hạn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
(DNTO) - Để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn, cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư trung dài hạn. "Nếu lãi suất hợp lí thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn".
Thông tin tại Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Giá gạo xuất khẩu loại gạo 5% đang ở mức 580 USD/tấn, tương đương với loại gạo cùng loại của Thái Lan. Loại gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (530 USD/tấn).
Quý 1/2024, gạo xuất khẩu tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch, Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% về kim ngạch.
"Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam", Bộ Nông nghiệp cho hay.
Dù vậy, ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu nói riêng vẫn có những khó khăn nhất định. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, với thị trường Philippines, khách hàng mua số lượng lớn nhưng giá bán lại thấp. Hiện giá gạo xuất khẩu đi thị trường Philippines chỉ khoảng 600 – 605 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu để có lãi phải ở mức giá trên 610 USD. “Hiện nay, lượng tồn kho của Ấn Độ vẫn rất lớn và khả năng sớm hay muộn thì họ cũng sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Khi Ấn Độ mở cửa trở lại thì thị trường rất khó có thể đẩy giá lên”.
Đặc biệt, khó khăn tín dụng hiện nay đang là nút thắt lớn nhất được cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo quan tâm. Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho rằng, hạn mức vốn các doanh nghiệp tiếp cận rất hạn chế so với nhu cầu gia tăng không ngừng. Đặc biệt là thời hạn vay tối đa cho doanh nghiệp lúa gạo chỉ 6 tháng là quá ít. Với những doanh nghiệp tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo như Lộc Trời nếu tính cả quy trình sản xuất giống và lúa gạo thương phẩm thì dòng vốn mất ít nhất 12 tháng trở lên.
"Cần có những chính sách nới rộng về hạn mức cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong liên kết bao tiêu", đại diện Lộc Trời kiến nghị.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo có 2 loại vốn cần quan tâm. Đầu tiên là vốn trong ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu.
“Đối với dòng vốn này, lãi suất cao đang là rào cản. Vì vậy các ngân hàng cần có chính sách kịp thời cho doanh nghiệp lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “dè chừng” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lí thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn”, ông Bá chia sẻ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, phấn đấu mục tiêu nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Theo đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp ngành gạo trước nhu cầu thế giới về tiêu thụ gạo đang cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay, trong đó có vấn đề chính sách tín dụng để góp phần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.