Giá gạo trong nước 'áp đảo' giá xuất khẩu khiến doanh nghiệp chịu cảnh thua lỗ hàng tỷ đồng
(DNTO) - Dù ngành gạo đang trên đỉnh cao của lịch sử sau 34 năm tham gia vào thị trường thế giới, nhưng giá gạo trong nước lại tăng mạnh hơn so với giá xuất khẩu, khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không như kỳ vọng, thậm chí có "ông lớn" còn ghi nhận kết quả lỗ sâu so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Tiếp đà tăng, những ngày đầu tháng 11, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại thiết lập cột mốc mới ở mức 653 USD/tấn.
Với mức này, gạo Việt Nam đang có giá cao nhất lịch sử xuất khẩu. Theo đó vào năm 2008, giá gạo có thời điểm tăng tới 1.000 USD/tấn nhưng thời điểm đó nước ta tạm dừng xuất khẩu, còn ở thời điểm hiện tại việc xuất khẩu diễn ra bình thường và gạo Việt đang “ngược chiều” tăng so với các nguồn cung khác gồm Thái Lan, Pakistan.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 7/11, trong khi giá gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững thì nguồn cung từ Thái Lan lại điều chỉnh giảm nhẹ thêm 4 USD. Như vậy sau điều chỉnh, gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 560 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 93 USD/tấn. Ngoài ra, một quốc gia xuất khẩu khác là Pakistan cũng đã liên tục điều chỉnh giảm giá gạo trong những ngày cuối tháng 10 và hiện giá gạo loại 5% tấm của nước này đang ở mức 563 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam khoảng 90 USD/tấn.
Tuy nhiên, dù ngành gạo thuận lợi nhưng kết quả kinh doanh của một số công ty không được như kỳ vọng, thậm chí lợi nhuận giảm sâu. Điểm chung của nhiều doanh nghiệp gạo trong quý III là biên lợi nhuận gộp "co" mạnh so với cùng kỳ.
Quý 3, doanh thu Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) biên lãi gộp giảm từ 9,7% về 8,5%. 9 tháng, doanh thu 18.665 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận sau thuế 31,5 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
“Ông lớn” ngành gạo miền Tây, Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III với khoản lỗ kỷ lục 327 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng chỉ lãi 19 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm sâu xuống 3,4% so với mức gần 18% của cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lãi gộp chỉ còn 152 tỷ đồng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ.
Angimex (HoSE: AGM) – doanh nghiệp gạo lớn ở An Giang, doanh thu quý III giảm 68% xuống 663 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính lỗ thuần 10 tỷ đồng. Nhờ hoạt động khác lãi 11,8 tỷ đồng mà có lãi ròng 2,9 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 29 tỷ quý III/2022. Lũy kế 9 tháng, lỗ 52 tỷ đồng.
Hay với gạo Trung An (mã: TAR), biên lợi gộp quý III giảm 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5%. Biên lãi gộp của Vinaseed (Mã: NSC) giảm từ mức 31,4% của cùng kỳ xống 27,3%...
Việc giá gạo nguyên liệu trong nước tăng nhanh hơn so với giá gạo xuất khẩu là nguyên nhân chính bào mòn biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Trong khi giá gạo nguyên liệu trong nước trung bình trong quý III ở mức 13.500 đồng/kg, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu chỉ tăng 23% lên trung bình 590 USD/tấn.
Lý giải giá gạo Việt “một mình một chợ”, nhiều doanh nghiệp cho biết, do Việt Nam đang vào cuối vụ thu hoạch, sản lượng không còn nhiều nên giá gạo trong dân liên tục tăng. Các doanh nghiệp cũng không gom được hàng để xuất khẩu nên chỉ dám ký các hợp đồng với số lượng nhỏ cho các đối tác lâu năm. Giá gạo chào bán vì thế cũng được đẩy tăng lên.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi, người "được" nhiều nhất chính là nông dân trồng lúa . Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp "4 không" gồm không vốn, không vùng nguyên liệu, không nhà máy và kho chứa có thể sẽ rủi ro trượt giá.
"Giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung. Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời nói.
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”, mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng nóng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực kinh tế yếu rơi vào thua lỗ, phải hủy hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp lớn chấp nhận mua hàng giá cao để kịp giao, giữ uy tín với khách hàng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. “Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động. Mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, Chủ tịch VFA nói.
Đồng thời cho rằng, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng gạo tương đương. Chính vì giá cao, một số mặt hàng gạo thơm như DT8, OM 5451 của Việt Nam có nguy cơ mất thị trường, rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan.
“Các gói thầu của cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog) doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao. Mặt khác, Bulog gọi thầu gạo 5%, mặt hàng đang khan hiếm”, ông Nam cho biết.
Bên cạnh đó, giá gạo Việt Nam đang ở mức quá cao nhưng hầu như các doanh nghiệp không bán được hàng. Đây cũng là hạn chế, làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo Phạm Quang Diệu cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn. Song, ông cũng cảnh báo năm 2024 tồn kho của nước ta sẽ rất mỏng. Vì thế, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi ký hợp đồng giao xa. Bởi, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, tín dụng khó khăn, khi giá gạo bật lên doanh nghiệp lại gặp rủi ro như năm nay.