Giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử, chuyên gia gửi lời khuyên nhà đầu tư: 'Không có bữa tiệc mãi mãi'

(DNTO) - Thị trường chứng khoán không ngừng tăng điểm mang nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư, tuy nhiên rủi ro cũng tiềm ẩn, đòi hỏi nhà đầu tư cần có phương pháp đầu tư hợp lý.
Thị trường chứng khoán chính thức ghi nhận mức điểm đóng phiên đạt đỉnh lịch sử trong hôm nay, ngày 25/7. Dù có nhiều rung lắc trong phiên sáng, tuy nhiên lực cầu mạnh mẽ, dòng tiền lớn chảy mạnh vào thị trường, đã đẩy chỉ số bật tăng hơn 10 điểm, chính thức đạt mức điểm 1.531 điểm.
Như vậy, sau khi rơi mạnh trong ngày 9/4 trước thông tin thuế quan của Mỹ, thị trường đã liên tục trong đà đi lên, VN-Index tăng hơn 430 điểm, tương đương khoảng 40% sau hơn 3 tháng đang cho thấy sự tích cực vượt bậc của thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Ảnh minh họa
Việc thị trường tiếp tục đi lên được nhiều chuyên gia dự báo dù có thể còn vấp phải rung lắc. Theo VCBS, dòng tiền chảy vào thị trường vẫn vô cùng mạnh mẽ, do đó kịch bản chinh phục các mốc điểm số cao hơn của VN-Index "có xác suất thành hiện thực cao". Hay theo SHS, diễn biến VN-Index vẫn mạnh mẽ, được kỳ vọng tiếp tục hướng đến vùng giá cao nhất lịch sử tháng 1.2022, quanh 1.537 điểm.
Tính đến hôm nay, với đà tăng mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu và nhiều nhóm ngành, nhiều nhà đầu tư đã có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể. Dù vậy, khi thị trường tăng nhanh và nóng, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Việc nhà đầu tư cần đề ra các chiến lược đầu tư phù hợp là cần thiết.
Cần tránh tâm lý tham lam
Cảm xúc là yếu tố quan trọng có thể chi phối quyết định đầu tư của nhà đầu tư chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường tăng mạnh ở vùng đỉnh, ông chuyên gia Lưu Chí Kháng, Giám đốc phân tích Công ty Cổ Phần Chứng Khoán Kiến Thiết, chỉ các tâm lý mà nhà đầu tư có thể gặp phải.
Với nhà đầu tư mới sẽ có hai trạng thái dễ thấy là tâm lý lạc quan quá mức, cho rằng thị trường tiếp tục tăng trưởng và tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ cơ hội, đứng ngoài không chịu được. Trong khi đó, nhà đầu tư lâu năm lại dễ rơi vào trạng thái lo sợ, có thể bán vội cổ phiếu, thậm chí chốt lời sớm mà không giữ được mức tăng trưởng tiềm năng cao.
Vị chuyên gia chỉ các cách thức để khắc phục các trạng thái tâm lý trên. Trước hết, nhà đầu tư cần tránh mua các cổ phiếu đã tăng quá nóng, nhất là khi chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, cùng đó là tránh tâm lý tham lam.
"Tham lam có thể khiến nhà đầu tư dùng đòn bẩy margin một cách quá lớn và thậm chí vượt qua khả năng chịu đựng của tài khoản. Nếu thị trường rung lắc nhẹ mà bạn sử dụng đòn bẩy lớn thì nguy cơ rất cao, nhất là ở vùng này, lợi nhuận lớn nên khả năng cao nhà đầu tư nước ngoài hay các tổ chức lớn sẽ chốt lời", ông Kháng phân tích.
Ngoài ra, việc đoán đỉnh không cần thiết bởi đây là việc khó xác định, có thể khiến nhà đầu tư bán sớm và lợi nhuận không được như kỳ vọng. Thị trường tăng cao, nhà đầu tư cũng ít đề phòng hơn và dễ dãi hơn, thường dễ tin vào các thông tin một chiều, có thể trên mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng. Sự kiên nhẫn chờ đợi không còn nhiều mà có thể thay bằng sự tham lam quá mức.
"Chúng ta cần phải hạn chế lại, bình tâm, bỏ đi một phần cái tôi kỳ vọng của mình, biết vừa lòng bản thân, bữa tiệc không phải mãi mãi", ông Khánh cho biết.
Quan trọng nhất theo ông, nhà đầu tư phải hiểu rõ được giá trị doanh nghiệp mà mình mua cổ phiếu, đặt ra các mục tiêu chốt lời và cắt lỗ rõ ràng và tuân thủ theo các mục tiêu, nguyên tắc đã đặt ra.
Hiện tại, tổng vốn hóa toàn thị trường đã đạt khoảng 335 tỷ USD, tương đương 71% GDP năm 2024. Nhiều yếu tố tích cực vẫn hỗ trợ thị trường như kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang dần lộ diện, lo lắng về thuế quan đang dần qua đi, cùng đó là triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế.